Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ ba, 22/10/2024 - 19:59
(Thanh tra) - Từ thiệt hại do bão Yagi gây ra, các chuyên gia cho rằng, cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cảnh báo sớm để giảm nhẹ thiệt hại.
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TP
Tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm
Sáng 22/10, Báo Tiền Phong đã tổ chức Tọa đàm "Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu".
Theo các chuyên gia, miền Bắc nước ta vừa trải qua một thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ và tàn phá, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn bao trùm miền Bắc, lũ lịch sử trên các dòng sông và ngập lụt ở 21 tỉnh/thành phố. Hậu quả để lại vô cùng to lớn và tang thương.
Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính trên 81.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng dị thường, khốc liệt hơn nữa. Bởi vậy, cần có các giải pháp để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, hiện nay, chúng ta đã có thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng và có những thông tin đầy đủ cũng như những kỉ lục của cơn bão số 3. Từ áp thấp nhiệt đới hình thành ở ngoài biển Đông hồi đầu tháng 9, khi vào biển Đông (vào ngày 3/9) khoảng 2 ngày sau, bão đã tăng từ cấp 8 lên cấp 16.
“Đây là kỉ lục đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận có độ tăng cấp nhanh nhất. Đây cũng là cơn bão có hoàn lưu rất rộng, mắt bão rất sắc nét và khẳng định đây là cơn bão cực kì nguy hiểm”, ông Cường cho hay.
Theo ông Hoàng Đức Cường, trong 48 tiếng, bão số 3 đã tăng cấp nhanh nhất đến 8 cấp. Đây là siêu bão có hoàn lưu bão rộng nhất là trên biển Đông. Khi vào đất liền như các cơn bão khác, ngày 8/9, bão gây mưa lớn phủ khắp Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cơn bão đã ảnh hưởng nhiều nhất trên hệ thống sông Thao khiến nhiều nơi lũ lên mức lịch sử…
Chia sẻ về giải pháp nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Cường cho rằng, cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để tránh thiệt hại cho người dân.
Theo ông Cường, Trung tâm Khí tượng thủy văn đưa ra 4 giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, cần đặt nhiều quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn, vùng núi dày hơn để đánh giá kĩ lưỡng, cảnh báo sớm hơn, kĩ lưỡng hơn, có thể lắp rada để bớt sai số nhiều hơn.
Thứ hai, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm; phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong loại hình cảnh báo sớm.
Thứ ba, cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước; tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.
Thứ tư, ứng dụng các phương tiện hiện đại trong việc truyền tin; trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất, dễ nhất đến các đối tượng là người dân.
Đặt công tác phòng chống thiên tai thường xuyên, liên tục
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết, chúng ta phải đặt công tác phòng chống thiên tai thường xuyên, liên tục. Những khu vực ngập lụt phải có giải pháp thích ứng và quản lý rủi ro nhằm đảm bảo tính chủ động. Trên thực tế, thời gian vừa qua, đã có những giải pháp ứng phó để người dân thích nghi, không phải di chuyển đi nơi khác.
Trong khi các loại hình thiên tai có xu thế ngày càng cực đoan thì quá trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số gia tăng cũng tác động đến thiệt hại. “Ngày nay, các đơn vị, người dân kinh doanh, sản xuất giá trị lớn nên thiệt hại cũng rất cao. Chúng ta cần định hướng gây dựng lại thiệt hại kinh tế theo hướng bền vững”, ông Hải cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, tổng thể trong năm 2024 cũng là một năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra các vụ sạt lở đất. Tính từ đầu năm đến nay, có tới 501 người chết và mất tích do thiên tai, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Về kinh tế, thiệt hại gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây (trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21.000 tỉ đồng/năm).
Dù đã được cảnh báo nhưng đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến nhiều người chết. Bởi vậy, trong tương lai, chúng ta cần tăng cường cảnh báo để hạn chế thiệt hại về người, tài sản ở các điểm sạt lở.
“Từ những con số thiệt hại về người và kinh tế kể trên, tôi cho rằng, chúng ta cần suy ngẫm, nhìn nhận lại để có bài học kinh nghiệm ứng phó cũng như tái thiết lại kinh tế, đời sống của người dân. Trong đó, chú ý đối tượng tổn thương nhiều nhất là người dân sản xuất nông nghiệp, cần có giải pháp để phòng tránh rủi ro thiên tai bất thường có thể lặp lại trong thời gian tới”, ông Hải đề xuất.
Đại diện địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vừa qua, ông Đặng Văn Tâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng cùng với Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3.
Theo thống kê tổng thiệt hại cơn bão gây ra là trên 13.000 tỷ, trong đó thiệt hại của người dân hơn 7.200 tỷ, cơ quan Nhà nước ở Hải Phòng là hơn 1.800 tỷ, doanh nghiệp là hơn 4.000 tỷ.
Ghi nhận cơn bão ở cấp 12, giật tới cấp 15, thành phố Hải Phòng đã chủ động trong công tác phòng ngừa. Lần đầu tiên, cả hệ thống chính trị của Hải Phòng vào cuộc từ sớm, từ xa trước khi bão đổ bộ vào Biển Đông.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường…
Hải Hà
21:28 20/11/2024Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền