Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 05/08/2014 - 10:33
(Thanh tra)- Bộ Công thương đã công bố thông tin về sự cố vỡ đê quai thượng thủy điện Ia Krel 2 với nhiều nguyên nhân, trong đó mới tìm được nguyên nhân khách quan là do "trời" gây ra, còn nguyên nhân chủ quan đang được khẩn trương kiểm tra, rà soát làm rõ.
“Bom nước” Ia Krêl 2 thêm một lần nữa bị vỡ, mạng sống người dân vùng biên giới huyện Đức Cơ vô cùng mong manh. Ảnh: Trung Đức
Bộ Công thương cho biết, đập chính thủy điện Ia Krel 2 hoàn thành và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình tích nước, một đoạn đập thủy điện Ia Krel 2 đã bị vỡ vào ngày 12/6/2013. Sau sự cố vỡ đê quai chính, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục và được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cho phép tổ chức thi công lại để sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ đê quai.
Trong thời điểm đang thi công, do mưa trên diện rộng và kéo dài tại lưu vực hồ chứa thủy điện Ia Krel 2 làm cho lưu lượng lũ về hồ lớn, mực nước hồ chứa dâng nhanh đến cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập tại thời điểm xảy ra lũ (cao trình 204,8m).
Đến 7 giờ 30 phút, ngày 1/8/2014, nhận thấy mực nước hồ chứa có khả năng vượt qua cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập (cao trình 204,8m) và uy hiếp an toàn công trình cũng như vùng hạ du sau đập, nên chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã thông báo khẩn cấp và tổ chức sơ tán nhân dân vùng hạ du sau đập.
Đến 8 giờ 30 phút, ngày 1/8/2014, mực nước hồ chứa đã vượt qua cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập (cao trình 204,8m) gây xói lở và làm vỡ hoàn toàn đê quai thượng lưu. Trong quá trình mực nước hồ chứa gia tăng, mặc dù chủ đầu tư đã chủ động nổ mìn phá bỏ khoảng 7m đập tràn (đã xây dựng) để tăng khả năng thoát lũ của hồ chứa. Tuy nhiên, sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập vẫn xảy ra.
Đến khoảng 10 giờ ngày 1/8/2014, toàn bộ dung tích hồ chứa đã thoát hoàn toàn về hạ du, dòng chảy đến đập trở về trạng thái tự nhiên.
Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được Bộ Công thương đưa ra là do tình hình mưa trên diện rộng và kéo dài tại lưu vực hồ chứa, lưu lượng lũ về hồ lớn, mực nước hồ chứa tăng nhanh, vượt qua đỉnh gây vỡ đê quai. Các nguyên nhân khác đang được xem xét, đánh giá và làm rõ.
Sự cố xảy ra do "trời" làm đã làm hỏng, cuốn trôi 27 chòi rẫy; 439,8 ha diện tích cây trồng các loại. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng của 170 hộ dân 344,8 ha (gồm: 241,3 ha mỳ, 51,3 ha điều, 32,5 ha lúa rẫy, 9,8 ha cao su, 6,8 ha ngô, 1,6 ha cà phê, 1,5 ha rau, 690 trụ tiêu) diện tích bị ảnh hưởng của Đội 20 - Công ty TNHH MTV 72 là 95 ha cao su. Một số tài sản khác phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân đang được thống kê.
Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập thủy điện Ia Krel 2, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương để xử lý, khắc phục sự cố. Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, các Sở: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ cùng với các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng, hải quan trên địa bàn đã thực hiện cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng hạ du và tiến hành kiểm tra hiện trường.
Trong ngày 2 và 3/8/2014, Bộ Công thương đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Dương Quang làm Trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các đơn vị chức năng: Tổng cục Năng lượng, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp... đến tỉnh Gia Lai, trực tiếp đến hiện trường để tiến hành kiểm tra tại công trình và làm việc với lãnh đạo tỉnh để giải quyết khắc phục sự cố, hỗ trợ kịp thời đối với người dân bị ảnh hưởng. Đoàn công tác đã chỉ đạo dừng ngay mọi công tác thi công tại công trình và trao đổi, chỉ đạo tiến hành các công tác cụ thể để triển khai các biện pháp nêu trên; đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương cùng các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... khẩn trương kiểm tra, rà soát, làm rõ các nguyên nhân của sự cố và trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Cần nhắc lại, sau sự cố vỡ đập lần đầu tiên trên công trường thủy điện Ia Krêl 2, Bộ Công thương, UBND tỉnh Gia Lai cùng các cơ quan hữu quan của địa phương đã đồng ý cho Cty Bảo Long - Gia Lai xây dựng lại công trình, nhưng chỉ được tiến hành sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Vậy nhưng, trong lúc chưa được phép tích nước lòng hồ, cũng như chờ đợi được phép thi công trở lại, Cty Bảo Long - Gia Lai đã phớt lờ những chỉ đạo của các cơ quan nói trên; đặc biệt là sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, nên đã dẫn đến vụ việc vỡ thân đập thủy điện Ia Krêl 2 lần thứ hai, gây hiểm họa khôn lường.
Chưa hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây tròn 3 tháng, UBND huyện Đức Cơ đã có công văn “cầu cứu” các sở, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai về việc Cty Bảo Long - Gia Lai tự ý thi công, tích nước, bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương. Không những thế, công ty này không hề có một văn bản nào báo cáo cho chính quyền địa phương việc tích nước.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều 3/8, ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết: “Công trình thủy điện Ia Krêl 2 đã được cấp phép thi công trở lại. UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương và Sở Xây dựng cấp phép. Về phía Sở Công thương, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục. Để xảy ra sự cố vỡ đê quai Ia Krêl 2 lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 năm, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải chịu trách nhiệm.”
Chưa biết “trái bóng trách nhiệm” sẽ được các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đá đi đâu, nhưng việc người dân xã Ia Dom thêm một lần nữa bị nhấn chìm trong biển nước là điều không thể chấp nhận được. Việc đập thủy điện Ia Krêl 2 được cấp phép thi công trở lại, phải chăng tính mạng, tài sản của người dân của huyện biên giới Đức Cơ bị xem nhẹ?
Trong một diễn biến khác, liên quan tới sự cố vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krêl 2 lần thứ hai, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức thanh tra, xác định nguyên nhân của vụ vỡ đê quai, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Theo đó, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan được đối chiếu với điều kiện để được phép thi công lại đã được Bộ Xây dựng yêu cầu tại Văn bản số 06/BC-BXD ngày 22/1/2014, sau khi xảy ra sự cố vỡ đê quai lần thứ nhất gồm: Lựa chọn phương án dẫn dòng phù hợp với thời điểm thi công thực tế; tính toán dòng chảy lũ thiết kế, lũ kiểm tra trên cơ sở các số liệu khí tượng, thủy văn cập nhật đến thời điểm hiện tại có tính đến biến đổi bất thường về khí hậu; tính toán kiểm tra lại khả năng xả, tháo lũ của đập tràn, điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng lại công trình... Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát an toàn các hồ đập trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tránh lặp lại sự cố như đã xảy ra tại công trình thủy điện Ia Krêl 2. UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thực hiện và có báo cáo gửi Bộ Xây dựng trước ngày 30/8/2014.
Bộ Công thương cũng cần có trách nhiệm
Tại hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức sáng 4/8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện và thủy điện, Bộ Công thương phải có chỉ đạo dù được phân cấp hoặc ủy quyền hay không và phải vào cuộc.
Nhấn mạnh với lãnh đạo các vụ, cục về trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ trưởng nói: "Các đồng chí đừng có nói chỉ là việc vỡ đập hay vỡ đê quai, người dân chỉ biết rằng vỡ thủy điện và hậu quả là như vậy”.
Người đứng đầu Bộ Công thương cho biết, ngay sau vụ việc xảy ra, Bộ đã chỉ đạo Thứ trưởng Lê Dương Quang đến làm việc với tỉnh Gia Lai để phối hợp giải quyết. “Chưa nói gì đến tỉnh, Sở Công thương, đơn vị thi công, hay chủ đầu tư mà trước hết Bộ Công thương cũng cần có trách nhiệm khi sự việc xảy ra", Bộ trưởng nói.
Trần Quý - Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà