Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin về ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ ba, 19/06/2018 - 21:07

(Thanh tra) - Đó là đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị ASEM “Về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững- định hướng tương lai” vào ngày 19/6/2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TH

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những thách thức về BĐKH với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt sẽ cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Các nước thành viên ASEM đã chứng kiến những thảm họa siêu thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trận lụt lịch sử ở Ấn Độ, Nam Á năm 2017, những đợt lạnh bất thường ở châu Âu và Trung Quốc, các đợt nóng kỷ lục ở Ốt-xtrây-lia vào đầu năm 2018.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng. Các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có TP. Cần Thơ, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Cũng tại đây, năm 2016 đã chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng triệu người dân. 

"Do vậy, nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của  nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng phối hợp hành động nhằm ứng phó BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH là những khuôn khổ toàn cầu, thể hiện tầm nhìn về đổi mới và gắn kết vì một thế giới tốt đẹp hơn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm về BĐKH

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị hội nghị xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững. 

Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó BĐKH cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.

Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, có khả năng thích ứng trước những bất thường của BĐKH, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển.

 Bên cạnh đó, đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH...

Đầu tư trên 18.600 tỉ đồng thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH
Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đầu tư 18.623 tỉ đồng để thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH phù hợp với từng vùng, địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL 6.760 tỉ đồng; các tỉnh ven biển 5.324 tỉ đồng để trồng rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu; các tỉnh miền núi phía Bắc 5.164 tỉ đồng; Tây Nguyên 1.375 tỉ đồng để trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cấp hệ thống lưu trữ và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và điều tiết lũ, nâng cấp hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ trên các sông lớn, xây dựng các kè chống sạt lở sông, suối tại các địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc ít người.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, để ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp cấp chiến lược quốc gia. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình dự án ứng phó với nguồn lực từ Chính phủ, các địa phương, hỗ trợ quốc tế, người dân và doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác những nỗ lực này là chưa đủ để giải quyết vấn đề BĐKH mà cần sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức xã hội thực hiện ở nhiều cấp độ. Đây là trách nhiệm cũng như cơ hội để phát triển bền vững" - Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Công Thành cho biết.

 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, hội nghị sẽ là nơi chia sẻ học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề như: hợp tác trong xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách; huy động nguồn nhân lực tài chính và công nghệ… để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Được biết, tại 4 phiên họp toàn thể của hội nghị này các đại biểu sẽ tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung như phát triển trong bối cảnh BĐKH gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng năng lực thích ứng BĐKH, thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; hành động ứng phó BĐKH, vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; định hướng tương lai thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì phát triển bền vững.

Thái Thị Hải


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm