Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Trị: Chủ động triển khai ứng phó trước nguy cơ mưa lớn, ngập lụt

Minh Tân

Thứ ba, 05/11/2024 - 14:59

(Thanh tra) - Trước dự báo mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất diễn ra trên địa bàn, chính quyền cùng các đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện các biện pháp nhằm chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết và các thiên tai khác có thể xảy ra.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị rà soát, chủ động phát hiện, lập các điểm chốt, cắm biển cảnh báo tại các nơi nguy hiểm, không cho người và phương tiện qua lại. Ảnh: CA tỉnh Quảng Trị

Tránh bị động trong mọi tình huống

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất được dự báo còn diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn từ ngày 3 - 10/11, khu vực Quảng Trị chịu ảnh hưởng của các hình thế thời tiết xấu gây mưa lớn, gồm: Vùng xoáy thấp xuất hiện khu vực nam và giữa biển Đông.

Cùng với đó, các đợt không khí lạnh mạnh thường xuyên được tăng cường; đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500 - 5.000m; cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Bên cạnh đó, sau ngày 10/11, mưa lớn trên địa bàn tỉnh còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt mưa lớn, kéo dài đến đầu tháng 12.

Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến mưa lớn kèo dài và các thiên tai khác có thể xảy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai các biện pháp, kể hoạch cụ thể.

Trong đó, yêu cầu các địa phương phối hợp với các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 6 và mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo, dự báo về mưa lũ thời tiết xấu trên biển để chủ đạo phù hợp với tình hình thực tế; thông tin đến cộng đồng để chủ động phòng tránh. Không được chủ quan lơ là, tránh bị động trong mọi tình huống.

Quân và dân trên huyện đảo Cồn Cỏ khắc phục các thiệt hại sau cơn bão số 6. Ảnh: Minh Tân

UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động rà soát phương án ứng phó các cấp độ rủi ro thiên tai. Đặc biệt chú trọng phương án sơ tán, di dời dân sát với thực tế từng địa bàn, khu vực trọng yếu, chủ động triển khai công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu…

Kiểm tra phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng cứu đảm bảo sử dụng có hiệu quả. Rà soát, triển khai công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ. Tại các địa phương, cơ sở cần hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lũ kéo dài theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích sản xuất chưa thu hoạch xong…

Sẵn sàng ứng phó

UBND tỉnh yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện thực hiện công tác vận hành, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ mực nước và lượng mưa đến các hồ chứa, chủ động hạ thấp mực nước để đón lũ; rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Đại tá Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, để chủ động ứng phó đơn vị đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cho các đơn vị chủ động trong việc ứng phó với mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến khu vực biên giới. Trong đó, lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục duy trì lực lượng trực cùng các phương tiện, gồm 3 tàu, 39 ô tô, 19 ca nô sẵn sàng chi viện cho các mũi, các hướng khi có tình huống xảy ra.

Lực lượng chức năng ứng cứu thành công thuyền và ngư dân bị sóng đánh chìm trên biển vào ngày 4/11. Ảnh: Minh Tân

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang (huyện Đakrông) đã phối hợp với chính quyền cùng người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đồng thời, hàng trăm lượt quân và dân trên huyện đảo Cồn Cỏ đã khắc phục các thiệt hại trên đảo, khôi phục lại giao thông… nhanh chóng ổn định cuộc sống quân và dân trên đảo.

Đại tá Nguyễn Bá Duyệt cho biết thêm: Hiện nay, trên tuyến đất liền, lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn, đặc biệt các nơi dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở để sẵn sàng di dời người dân đến vị trí an toàn. Tại các ngầm, tràn trên tuyến biên giới, nếu xảy ra ngập lụt luôn có cán bộ, chiến sĩ ứng trực không cho người, phương tiên qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Đối với tuyến biển, tại các trạm kiểm soát cửa sông, cửa lạch, chỉ giải quyết việc xuất nhập cảnh, xuất nhập lạch đối với các phương tiện tàu lớn, đủ điều kiện an toàn. Tuy nhiên, đối với các phương tiện thuyền nhỏ của ngư dân, lực lượng Biên phòng cùng với địa phương vận động không giải quyết các thuyền nhỏ (dưới 90CV) ra khơi đánh cá trên biển.

Trước đó, vào sáng ngày 4/11, tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Triệu Vân (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong lúc tuần tra đã phát hiện chiếc thuyền cá của ông Trần Quảng, ngư dân thôn Ba Tư (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) bị sóng đánh chìm. Ngay sau đó, cán cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phối hợp với lực lượng Công an, dân quân xã Triệu Lăng triển khai công tác ứng cứu, kịp thời đưa ông Quảng vào bờ an toàn.

Sáng ngày 5/11, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy xiết trên khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các xã thuộc huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy; Phong Điền, thị xã Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. Cảnh báo cấp rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy xiết: Cấp 1.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm