Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân Kim Sơn khắc khoải chờ nước sạch

Thứ ba, 07/07/2015 - 07:01

(Thanh tra)- Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 10km, nhưng nhiều năm nay, gần 3.700 nhân khẩu tại thôn Linh Quy Bắc và thôn Linh Quy Đông, xã Kim Sơn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không có nước sạch, hàng ngày những hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh, và đối mặt với nguy cơ bệnh tật tăng cao.

Cống rãnh, ao làng bị ô nhiễm khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng. Ảnh: Quang Đông

Lò giết mổ tự phát hoành hành, nghĩa trang quá tải
 
Những ngày trưa hè tháng 6 nắng nóng đỉnh điểm, phóng viên có mặt tại thôn Linh Quy Bắc và thôn Linh Quy Đông để ghi nhận nạn ô nhiễm nơi đây. Đường dẫn vào hai thôn được trải nhựa phẳng lì, nhưng bên cạnh đó là cống rãnh lộ thiên bốc mùi xú uế. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm cả hai thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Chính (64 tuổi), Trưởng thôn Linh Quy Đông cho biết, cả thôn có 420 hộ với gần 1.500 nhân khẩu hiện đang sinh sống. Trước đây, người dân trong thôn vẫn sử dụng giếng khơi nhưng giếng khơi dần hết nước nên người dân chuyển sang dùng giếng khoan. Mỗi giếng khoan sâu 40 - 50m mới có nước nhưng trong khoảng 3 - 4 năm nay, nguồn nước ngầm giếng khoan của hơn nửa hộ dân trong thôn cũng bắt đầu bị ô nhiễm nặng? Hiện nay, trong làng hầu như nhà nào cũng xây bể lọc với cát và than hoạt tính. Nhưng cứ chỉ khoảng 1 - 2 tháng là lại phải thay cát một lần do cát bị rón cục và chuyển màu vàng.
 
Minh chứng thêm cho vấn nạn ô nhiễm nguồn nước ngầm, ông Chính dẫn chúng tôi sang nhà anh Lê Văn Bình (37 tuổi) gần đấy. Giếng nhà anh Bình là một trong những giếng bị ô nhiễm khá nặng. Anh Bình chia sẻ: Giếng nhà anh mới khoan hơn 40m, nước rất trong nhưng có mùi hôi tanh khó ngửi. Dùng trực tiếp nước giếng nấu ăn lâu ngày dưới đáy xoong, nồi bám đầy cặn vàng. “Nước hút trực tiếp từ giếng lên mà không qua bể lọc thì không thể pha chè. Nếu pha trực tiếp, nước lập tức chuyển sang màu tím ngắt hoặc đen kịt”, anh Bình cho hay.
 
Để thêm phần thuyết phục, anh Bình làm một “thí nghiệm” nhỏ, hút một bát nước từ giếng lên. Nhìn bằng mắt thường, bát nước rất trong và sạch. Rồi anh Bình pha một ấm chè loãng và đổ trực tiếp nước chè vào bát nước vừa hút từ giếng lên. Nước chè đổ đến đâu thì bát nước lập tức chuyển màu tím rồi thành đen đến đó. Anh Bình chia sẻ: “Chè loãng còn thế chứ chè đặc màu nó còn đen hơn nữa. Theo kinh nghiệm dân gian thì nước bị chuyển màu khi đổ nước chè vào là đang bị nhiễm sắt nặng”?
 
Cùng cảnh ngộ với thôn Linh Quy Đông là những người dân sống ở mảnh đấy liền kề thuộc thôn Linh Quy Bắc.  Ông Dương Mạnh Thọ (66 tuổi), Trưởng thôn Linh Quy Bắc cho biết, cả thôn có 545 hộ với khoảng 2.200 khẩu, đông nhất cả xã Kim Sơn. Do chưa có nước sạch nên gần như 100% người dân trong làng vẫn đang dùng giếng khơi và giếng khoan.
 
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm được hai trưởng khẳng định là do những lò giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trong thôn ngày càng nhiều. Hiện trong thôn Linh Quy Đông có khoảng 6 lò giết mổ gia súc lớn và hơn 6 lò giết mổ gia cầm. Còn tại thôn Linh Quy Bắc, ước tính được có khoảng hơn 6 lò giết mổ gia súc quy mô lớn tương tự. Theo các ông, hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm trong 2 thôn đều là tự phát và hình thành từ trước đây đều do các hộ dân trong thôn làm. “Hệ thống cống rãnh trong làng thì chỉ nhỏ chừng 50-60cm, sâu chưa đến 1m mà mỗi đêm có đên hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà bị giết mổ. Bao nhiêu nước thải, cặn bã thải hết ra cống có tiêu kịp đâu. Rác thải ứ đọng lâu ngày rồi ngấm xuống lòng đất thế là ô nhiễm chứ có gì đâu”, ông Chính cho hay.
 
Ngoài những nguyên nhân do các lò giết mổ gia súc, gia cầm tự phát như trên, ông Thọ cho phóng viên biết thêm nguyên nhân khác là do nghĩa trang của xã Kim Sơn mấy năm trở lại đây đang rơi vào tình trạng quá tải. Nghĩa trang nằm ngay sát với khu dân cư. Một nghĩa trang mà có đến 9 thôn cùng chôn cất tại đây. Mỗi năm có hàng chục người chết được chôn tại nghĩa trang, lâu ngày ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước!
 
Khắc khoải đợi mong nguồn nước sạch
 
Bên cạnh nỗi lo môi trường sống, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, người dân hai thôn Linh Quy Bắc, và Linh Quy Đông đang đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo. Theo ông Chính và ông Thọ nhẩm tính, chỉ trong vòng 3 năm nay, trong 2 thôn có hơn 10 người chết vì ung thư? Số lượng người dân tới trạm y tế của xã Kim Sơn khám chữa vì mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da… đã được ghi nhận có xu hướng tăng, trong đó, đông nhất là thôn Linh Quy Bắc.
 
Người dân thôn Linh Quy Bắc có lý do để bức xúc, bởi toàn xã Kim Sơn có 9 thôn nhưng chỉ có nơi đây gặp vấn đề về nước sạch. Thôn Đại Bản (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) nơi chỉ cách Linh Quy Bắc chừng 300m đã có nước sạch để sử dụng từ rất lâu. Xã khác tiếp giáp với Kim Sơn là Dương Quang cũng đã có tới 50% người dân được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, trên 2.000 nhân khẩu thôn Linh Quy Bắc thì không biết sẽ còn phải mong ngóng nước sạch đến khi nào?

Qua trao đổi với báo chí về việc triển khai, xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Dũng cho biết, đây cũng là một trong những vấn đề lãnh đạo huyện đang tập trung giải quyết. Bởi vấn đề môi trường, nước sạch là một trong 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Đối với một số khu vực trên địa bàn huyện như Kim Sơn, Lệ Chi và một phần Phú Thị… chưa có nước sạch thì huyện phối hợp với Công ty Nước sạch số 2 tiến hành khảo sát và thống nhất đề nghị thành phố đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn các xã này. Về phía lãnh đạo huyện sẽ làm hết khả năng để bà con sớm được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm