Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/06/2016 - 06:45
(Thanh tra)- Hạn hán kéo dài đã và đang đẩy hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy trong hoạt động sản xuất, triển khai các dự án (D.A).
Hồ Sông Trâu đang dần trơ đáy. Ảnh: Trần Quý
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 2/6, toàn tỉnh có trên 1.600 hộ/6.045 khẩu thiếu nước sinh hoạt, trong đó, huyện Thuận Bắc có khoảng 800 hộ/3.200 nhân khẩu. Dự báo, đến nửa đầu tháng 6/2016, toàn tỉnh có 6.555 hộ/28.859 khẩu tại 19 xã/6 huyện sẽ thiếu nước, cần hỗ trợ nước sinh hoạt. Hạn hán cũng đã làm cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc thiếu lương thực.
Theo quan sát của PV, người dân tại các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn… đang phải “gồng” mình đối phó với hạn hán. Ông Ka - Tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng cho biết, gần 3 tháng nay, hệ thống nước sạch sinh hoạt của địa phương ngưng cung cấp vì nguồn lấy từ suối về đã cạn kiệt. Bà con phải xuống suối đào vét, chắt mót nước về sử dụng.
Tại thôn Xóm Bằng, xã Công Hải, công trình nước sinh hoạt đã cạn kiệt, tất cả các giếng đào, giếng khoan đều trơ đáy. Người dân phải đi 3 - 4km để lấy từng can nước sông, nước suối không hợp vệ sinh về dùng qua ngày.
Tại các D.A lớn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Núi Chúa; khu du lịch Bãi Thùng; khu du lịch Bình Tiên; D.A khu nông nghiệp kỹ thuật cao… tiến độ thi công cũng chậm lại do thiếu nguồn nước.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các D.A du lịch ven biển trên địa bàn huyện Thuận Bắc, UBND tỉnh Ninh Thuận và huyện đã quy hoạch xây dựng hồ Sông Trâu, dung tích thiết kế 31,53 triệu m3 và cho xây dựng nhà máy nước sinh hoạt với công suất 6.000m3 nước/ngày đêm.
Hồ Sông Trâu được xây dựng năm 2003, đưa vào sử dụng năm 2006, diện tích lưu vực 66km2, có dung tích hữu ích 31,53 triệu m3 nước, mực nước bình thường là 42,3m, mực nước chết của hồ là 28,7m. Hồ Sông Trâu có chức năng dự trữ và phân phối nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của El Nino, địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói chung và huyện Thuận Bắc nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nắng nóng gay gắt, gây khô hạn trên diện rộng, dẫn đến hồ bị cạn kiệt.
Có mặt tại hồ vào ngày đầu tháng 6, chúng tôi thấy, mực nước hồ đã bám vạch mực nước chết (dưới 28,7m). Nước trong hồ rất đục, song vẫn phải cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sinh hoạt của khu vực.
Ông Nguyễn Khắc Hoan, Phó phòng Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng Ninh Thuận) cho biết, Nhà máy Nước Thành Trung được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/9/2010 do Cty Cổ phần Thành Trung Ninh Thuận làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu dân cư xã Cộng Hải và khu du lịch Vĩnh Hy; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Núi Chúa; khu du lịch Bãi Thùng; khu du lịch Bình Tiên.
Ông Tạ Bá Ánh, đại diện Cty Thành Trung Ninh Thuận cho biết, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 2/2016. Hiện mới ký hợp đồng bán nước cho Cty Yến Sào Khánh Hòa, mỗi ngày từ 100 - 300m3. Theo ông Ánh, việc nhà máy không chạy hết công suất là do thiếu nguồn nước cũng như chưa đầu tư được hệ thống dẫn nước đến các nơi cần nước, trong đó có 2 D.A du lịch do chính Cty làm chủ đầu tư.
Nhà máy Nước Thành Trung chỉ hoạt động được khoảng 5% công suất. Ảnh: Trần Quý
Việc hồ Sông Trâu cạn kiệt, chất lượng nước không bảo đảm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của các nhà máy, trong đó có Nhà máy Nước Thành Trung. Theo quan sát của PV, nước được bơm vào bể nhà máy rất đục, nhiều rong rêu.
Theo TS Hồ Minh Thọ, Phó Giám đốc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, việc xây dựng nhà máy nước của Cty CP Thành Trung Ninh Thuận lấy nguồn từ hồ Sông Trâu với công suất 6.000m3/ngày đêm phải xem xét lại về cả trữ lượng và chất lượng nước. Bởi lẽ vào mùa khô hạn, chắc chắn hồ Sông Trâu không thể cung cấp hàng nghìn m3 nước sạch cho nhà máy và chất lượng nước không thể bảo đảm. “Kể cả nhà máy nước có đủ nước và chạy 100% công suất cũng không thể đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân và các D.A trên địa bàn huyện Thuận Bắc” - TS Hồ Minh Thọ nhận định.
Theo đánh giá sơ bộ của UBND huyện Thuận Bắc, hạn hán đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hiện UBND tỉnh và UBND huyện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với hạn hán. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ, sớm đầu tư hoàn thành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để giải quyết cơ bản về nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và các D.A phát triển du lịch ven biển của tỉnh Ninh Thuận.
Trần Quý
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo rà soát, hỗ trợ kịp thời nhân dân, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nước sinh hoạt, lương thực cho người dân, kiên quyết không để hộ dân nào thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn do sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hoặc không sản xuất được do hạn hán để người dân có cuộc sống ổn định; không để bùng phát dịch bệnh.
Tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống hạn.
Để bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất lâu dài, các bộ, ngành và UBND tỉnh Ninh Thuận theo chức năng quản lý Nhà nước và thẩm quyền được giao chủ động rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước, quy hoạch sử dụng đất; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước, diễn biến của biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, lựa chọn các D.A ưu tiên cấp bách như các D.A hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (đập dâng Tân Mỹ, hồ sông Cái), D.A xây dựng hệ thống liên thông hồ chứa và 4 D.A thủy lợi cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai, chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để thực hiện.
Trung GiãÝ kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Trần Đức Hoạt cho biết, đơn vị đã thanh tra Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng và chỉ ra 5 tồn tại, vi phạm. Theo tìm hiểu, dự án đã "đắp chiếu" hơn 10 năm...
Hải Hà
20:22 11/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp tổng kết Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2024.
Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Khoa Lê
10:12 10/12/2024Hoàng Nam
09:33 10/12/2024Bảo Trân
11:54 08/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà