Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp nào để Hà Nội "hồi sinh" sông Tô Lịch?

Hải Hà

Thứ hai, 15/04/2024 - 21:29

(Thanh tra) - Những ngày qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch đang được dư luận quan tâm. Vấn đề được bàn tán sôi nổi là Hà Nội sẽ "hồi sinh" dòng sông Tô Lịch bằng cách nào? Bởi hơn chục năm qua, nhiều dự án đã được thí điểm, nhưng đến nay, Tô Lịch vẫn chỉ là dòng sông "chết" nằm giữ lòng thành phố.

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen kịt... Ảnh: HH

Dòng sông ô nhiễm

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua 6 quận, huyện có mật độ dân cư đông đúc của Thủ đô Hà Nội gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai và Thanh Trì.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Chị Trương Thu Hường (ở gần đường Kim Giang) - nơi có khúc sông Tô Lịch chạy qua, thở dài ngao ngán: "Ngày nào tôi đi làm cũng phải qua đây. Mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng gặp cơn mưa rào thì mùi bốc lên nồng nặc. Nó như một cái cống khổng lồ chứ không phải dòng sông nữa".

Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Ảnh: HH

Khảo sát của PV trong ngày giữa tháng 4, buổi trưa khi trời nắng lên và có gió thổi, đi qua sông Tô Lịch mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rác sinh hoạt, nước thải từ rất nhiều nơi đổ vào lòng sông.

Ông Nguyễn Văn Nam (ở Cầu Tó, Thanh Trì) bày tỏ: "Hiện nay, vấn đề rác thải nhựa đã đỡ hơn trước, nhưng mùi hôi thối còn nặng nề. Người dân chúng tôi giờ đây chỉ mong khắc phục hết mùi hôi thối là mừng lắm rồi chứ chưa dám mơ đến dòng sông này sẽ "biến" thành công viên hay điểm du lịch…".

Mong mỏi của người dân liệu có sớm thành hiện thực? Mới đây, tại kỳ họp HĐND thành phố, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điểm đặc biệt đáng chú ý tại nghị quyết là Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm, làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch, "sống lại" hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Sông Tô Lịch đoạn chảy qua xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì nước một màu đen kịt. Ảnh: HH

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm “sống lại” các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông “chết”, tích tụ nước thải như hiện nay.

Cần tổng hoà nhiều giải pháp

Nhớ lại, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đề ra mục tiêu làm “sống lại” sông Tô Lịch, bởi trước đó, từ những năm 2000 cho đến nay, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để làm việc này. Tuy nhiên, đến giờ Tô Lịch vẫn là dòng sông “chết”.

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết được tận sâu vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, cần phải tổng hoà nhiều giải pháp.

Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nêu quan điểm, làm sạch các dòng sông ở Hà Nội nên là một ưu tiên trong xử lý các vấn đề môi trường hiện nay mà thành phố đang phải đối mặt.

Hầu hết lượng nước thải đổ ra sông Tô Lịch không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông. Ảnh: HH

Điều quan trọng, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể, giải quyết từng khâu, từng việc liên quan đến ô nhiễm các dòng sông, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải…

Dân số Hà Nội ngày một tăng, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp. Các khu đô thị mới mọc lên, các cụm công nghiệp được xây dựng mới. Nhiều nơi, nước thải chưa được xử lý vẫn đổ ra các sông, hồ ở Hà Nội.

Bà An nhấn mạnh, muốn làm "sống lại” các dòng sông, trước tiên thành phố phải xử lý nước thải. Cần rà soát lại toàn bộ, nơi nào chưa xử lý nước thải phải có biện pháp xử lý nghiêm, truy trách nhiệm của ai, của cơ quan nào. Cùng với đó, phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo đồng bộ, thực chất, tránh việc nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông…

Cho ý kiến về nội dung này, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam chia sẻ, để có thể “hồi sinh” các sông trên địa bàn thành phố, trong đó có sông Tô Lịch trước tiên, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất, Hà Nội xây dựng đập dâng trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để nâng mực nước các sông lên cao nhằm cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm “sống lại” các dòng sông.

Hiện nay, vấn đề rác thải nhựa trên sông Tô Lịch đã đỡ hơn trước, nhưng mùi hôi thối còn nặng nề... Ảnh: HH

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Tô Lịch có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông.

Song hành, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, làng nghề vào khu xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm…

Để làm "hồi sinh" sông Tô Lịch, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án quan trọng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10/2016.

Dự án có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng, nằm ở cánh đồng Yên Xá (huyện Thanh Trì), dự kiến được bàn giao vào quý 2/2022. Song, đến nay, sau 8 năm xây dựng, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.

Tồn tại lớn nhất của dự án là việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý. Hiện, việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy mới hoàn thành 90% khối lượng.

Trong dịp kiểm tra tiến độ dự án gần đây nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ để năm 2025 hoàn thành hệ thống đường ống gom nước thải về nhà máy. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm