Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp biến sông thành đường vận chuyển cát

Thứ ba, 17/04/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Khai thác cát không phép, hoặc mới chỉ được cấp phép thăm dò nhưng doanh nghiệp (DN) ào ạt tổ chức khai thác cát trong nhiều năm liền mà không hề bị xử lý. Đặc biệt, có DN “tận dụng” lòng sông đang cạn kiệt vào mùa khô để làm đường vận chuyển cát. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận tại huyện Phù Mỹ và huyện Hoài Ân của tỉnh Bình Định.

DN Trường Vũ tự tiện đổ xà bần, đất xuống lòng sông Kim Sơn làm đường vận chuyển cát. Ảnh: NP

Vào thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ đi xuống dòng sông La Tinh, phóng viên nhìn thấy một con đường dài nằm giữa dòng sông, hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, tre bị ngã đổ, đất ven sông xâm thực vào đất nhà dân. Con sông biến dạng, hình hài nham nhở.

Nguyên nhân là do, gần 3 năm qua, Cty TNHH Tân Lập (số 35 Lê Lợi, TP Quy Nhơn, Bình Định) vận chuyển cát cày nát lòng sông La Tinh thuộc địa phận thôn Bình Long và Vạn Thiện. 

Một cụ già lên tiếng: “Tôi ở đây mấy chục năm nay, giờ đã gần 70 tuổi mà chưa từng chứng kiến con sông bị sạt lở như vậy, hàng tre chắn bờ sông bị đổ ngã. Tôi phải rào ven sông gần nhà mình chứ không họ khai thác vào tận sâu trong đất vườn thì sụt lún hết”.

Người dân khác giải thích: “Do chúng tôi không cho đi đường trong thôn vì xe quá tải làm hư đường, dễ xảy ra tai nạn giao thông, nên họ tự mở đường dưới sông để vào khai thác, vận chuyển cát. Họ lấy cát cả ngày lẫn đêm làm sụt lún đất nhà tôi. Trận mưa lũ năm 2017, nước vào ngập hết nhà cửa, chứ trước đây chưa lấy cát thì ở đây không đến nỗi như vậy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết: “Con đường dưới lòng sông là do Cty Tân Lập tự mở để xuống dưới mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác, vì người dân không cho đi con đường bê tông thôn Bình Long, đường thôn nhỏ, xe trọng tải lớn đi qua sợ làm hư đường”.

Được biết, UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 06 ngày 23/1/2018 cho phép Cty Tân Lập khai thác cát làm vật liệu thông thường tại sông La Tinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Diện tích khai thác 1ha, công suất khai thác 10.191m3 cát/năm, mức sâu khai thác 1,3m so với cốt địa hình. Phương pháp khai thác lộ thiên bằng xe cơ giới kết hợp thủ công, khai thác theo hướng khơi thông dòng sông từ thượng lưu xuôi theo dòng chảy, tuyệt đối không được sử dụng máy bơm hút cát. Thời gian khai thác 1 năm kể từ ngày ký...

Song, với cách khai thác cát cày xới như hiện nay thì sông La Tinh dễ trở thành dòng sông chết.

Nghiêm trọng hơn là trường hợp DN Tư nhân xây dựng Trường Vũ (đường Hùng Vương, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), mới được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 48/GP ngày 7/9/2017, cho phép DN thăm dò cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Kim Sơn, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân với diện tích 2ha, thời gian thăm dò 3 tháng kể từ ngày ký. Hết thời hạn thăm dò, DN này vẫn ngang nhiên khai thác cát trên sông Kim Sơn tại mỏ cát thôn Đức Long, xã Ân Đức.

Để có đường vận chuyển, DN Trường Vũ cho xe đổ xà bần, đất đá xuống lòng sông Kim Sơn đi vào khu vực lòng sông lấy cát và vận chuyển ra ngoài, khiến con sông bị sạt lở, diện tích lòng sông bị thu hẹp lại, xà bần, đất đá nằm ngổn ngang dưới sông. 

“Hàng ngày, xe cát của DN Trường Vũ chạy ầm ầm làm bụi bay mù mịt, nước trên xe chảy xuống đường dơ bẩn, ô nhiễm. Nhiều lần dân phản ánh nhưng cán bộ huyện, xã tới kiểm tra rồi đâu lại vào đấy, DN vẫn cứ làm bừa”, ông Nguyễn Văn Thế ở thôn Kim Sơn cho biết.

Chưa hết, trên địa bàn xã Ân Đức còn có DN Tùng Luân đang khai thác tại mỏ cát thôn Gia Trị mà chưa có giấy phép thăm dò, nhưng UBND xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện chưa có động thái xử lý gì.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Chiêm, Trưởng Phòng TN&MT Hoài Ân cho biết: “Đối với DN Trường Vũ chỉ có giấy phép thăm dò mà đã khai thác cát thì chúng tôi chưa nghe xã báo lại và sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra. Trách nhiệm quản lý đất, cát chưa được cấp phép thuộc về UBND xã Ân Đức”.

Còn bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Đức phân trần: “DN Trường Vũ và Tùng Luân chưa được cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng họ đã khai thác gần hết trữ lượng cát để phục vụ các công trình xây dựng cơ bản của huyện, xã. Vì nhu cầu cấp thiết xây dựng nên các DN này đã khai thác trước khi có giấy phép... Việc DN Trường Vũ nhận các công trình trường học, đường bê tông nông thôn cũng đã xin phép UBND huyện, thì không thể giao hết trách nhiệm cho UBND xã. Chưa kể cán bộ xã phụ trách môi trường, khoáng sản chỉ có 1 người nên không thể kiểm soát các DN khai thác cát trái phép. Việc DN đổ xà bần dưới sông là do người dân phản ánh sạt lở bờ sông nên họ đổ để chống xói lở và chuẩn bị làm bờ kè”.

Tuy nhiên, thực tế thi công bờ kè đâu chẳng thấy, chỉ thấy xà bần, đất đá nằm dưới lòng sông ngổn ngang tạo thành đường lởm chởm ra vào khu vực mỏ lấy cát rồi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Đó là những vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản diễn ra trong thời gian dài tại huyện Phù Mỹ và Hoài Ân, song không hiểu vì lý do gì chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng lại không hay biết và đổ vấy trách nhiệm lẫn nhau?

Ngọc Phó - Lê Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm