Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Bình khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023

Trọng Tài

Thứ ba, 24/10/2023 - 23:33

(Thanh tra) - Tối ngày 24/10 (ngày 10/9 năm Quý Mão), tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2023.

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đất Phật” tại lễ khai hội. Ảnh: Thế Duyệt

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, tọa lạc tại làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Gần 400 năm đã trôi qua, chùa Keo hiện nay đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thờ Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Năm 2012, chùa Keo được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.

Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ - vương triều nhà Lý, cũng như tri ân công lao của những người đã có công xây dựng chùa.

Hàng năm, chùa đều có 2 mùa lễ hội là lễ hội mùa Xuân vào ngày mùng 4 tháng Giêng và lễ hội mùa Thu diễn ra từ ngày 10 - 15/9 âm lịch.

Trong đó, lễ hội mùa Thu là hội chính với những nghi thức tế lễ và trò chơi mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, gần gũi với nét sinh hoạt của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2023 diễn ra từ ngày 24 - 29/10, với nhiều nghi lễ tâm linh, hoạt động đặc sắc như: Lễ khai chỉ lễ hội; tế lễ Phật, Thánh; liên hoan các câu lạc bộ chèo; rước kiệu Đức Thánh; du thuyền hát giao duyên; biểu diễn múa rối nước; đêm hội hoa đăng; hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP…

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh, từ nghìn xưa, Vũ Thư đã nổi danh là vùng quê văn hiến. Các thế hệ tiền nhân không ngừng sáng tạo, phát tâm khởi dựng và để lại mảnh đất này đậm đặc những quần thể công trình, thắng tích, danh lam.

Điểm sáng tâm linh tiêu biểu nhất là chùa Keo - ngôi cổ tự kiệt tác nghệ thuật, kiến trúc lâu đời, độc nhất vô nhị, có sức hấp dẫn, lan tỏa kỳ lạ, xứng tầm là bảo vật thiêng liêng của quốc gia...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành đánh trống khai hội. Ảnh: Thế Duyệt

Lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn hàng năm. Đây là dịp để Vũ Thư mời gọi du khách về dự lễ hội, hành lễ, dâng hương, tưởng vọng cội nguồn, chiêm ngưỡng các giá trị kiến trúc độc đáo và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao truyền thống đặc trưng của vùng quê văn minh lúa nước châu thổ sông Hồng, để được tắm mình giữa một khoảng không gian huyền thoại của mảnh đất và con người Vũ Thư nói riêng, Thái Bình nói chung.

Điểm nhấn đặc biệt của lễ khai mạc năm nay là chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi “Linh thiêng đất Phật” với bố cục 3 chương: Huyền tích chùa Keo; về miền di sản và vẻ đẹp bất tận.

Chương trình có sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Xuyên suốt chương trình có sự kết hợp hài hòa của những ca khúc tiêu biểu về Thái Bình được sáng tác qua các thời kỳ với sự tổng hòa của các thủ pháp nghệ thuật như lời bình, cảnh diễn, âm thanh, ánh sáng...

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đất Phật” không chỉ là điểm nhấn tại lễ hội mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình; giới thiệu tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh, sinh thái, mời gọi các nhà đầu tư về với Thái Bình.

Sáng ngày 24/10, tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023 huyện Vũ Thư đã khai mạc hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Đây là lần đầu tiên 1 hội chợ sản phẩm, hàng hóa được ban tổ chức bố trí, sắp xếp đưa vào xuyên suốt Lễ hội chùa Keo mùa Thu thường niên (từ ngày 10 - 15/9, năm Quý Mão).

Hội chợ có 24 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của 48 chủ thể và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiêu biểu của một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình; huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) và 2 đơn vị đến từ TP Hà Nội.

Hệ thống các mặt hàng, chủng loại sản phẩm tham gia hội chợ đa dạng, phong phú mang đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, địa phương.

Trước đó, vào sáng sớm cùng ngày, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2023 huyện Vũ Thư cũng đã thực hiện nghi thức khai chỉ và mở cửa đền Thánh với sự tham gia của lãnh đạo huyện, lãnh đạo một số địa phương, đơn vị cùng đông đảo tín đồ, Phật tử, du khách thập phương và nhân dân địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên: Thời cơ và sứ mệnh

Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên: Thời cơ và sứ mệnh

(Thanh tra) - Trong bối cảnh đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới, Võ cổ truyền không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe, hay bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn được coi là một phương tiện quảng bá văn hóa hiệu quả. Tại Thái Nguyên, vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, Võ cổ truyền đang đứng trước những thời cơ lớn, đồng thời gánh trên vai một sứ mệnh quan trọng là làm như thế nào để thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao phát triển xứng tầm, đặc biệt là võ cổ truyền Việt Nam.

TK

17:30 26/11/2024
Lễ hội Đua mảng Bắc Mê 2024: Tôn vinh văn hóa và quảng bá du lịch

Lễ hội Đua mảng Bắc Mê 2024: Tôn vinh văn hóa và quảng bá du lịch

(Thanh tra) - Sáng ngày 16/11, tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, Lễ hội Đua mảng trên sông Gâm đã chính thức khai mạc, đánh dấu một hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, các sự kiện hội chợ tư vấn giới thiệu việc làm và hội thi ẩm thực năm 2024 cũng được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Bùi Bình

15:29 16/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm