Chợ chuối Tân Long bắt đầu rộn ràng vào 6 giờ sáng. Từng đoàn xe máy từ các ngả đường tập trung về đây để mua bán. Chuối được mang về từ những rẫy, những mảnh vườn được chăm sóc kỹ để có thể bán được giá nhất vào dịp cuối năm. Không biết từ bao giờ, chợ chuối Tân Long được hình thành và nổi tiếng với mặt hàng này, có lẽ nơi đây là điểm giao của các xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa ra Quốc lộ 9.

Chuối được chất trên những chiếc xe máy, ràng buộc cẩn thận nhất để khi đến chợ những quả chuối không bị trầy xước, dập nát. Đàn ông, thanh niên chở chuối trên những chiếc xe máy, còn các mẹ, các chị gánh mỗi đầu mỗi buồng quầy quả đi bộ từ các bản, làng ra để kịp phiên chợ.

leftcenterrightdel
 Chợ chuối Tân Long hoạt động tấp nập từ ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết. Ảnh: Minh Tân

Vừa dừng để trở đòn gánh qua vai khác, chị Hồ Thị Nhung (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) quệt mồ hôi cho biết, sáng 4 giờ đã dậy lên rẫy cắt 2 buồng chuối để kịp phiên chợ.

“Tết năm nay, chồng thì chạy xe máy chở chuối, còn mình gánh thêm 2 buồng để bán vừa đi chợ luôn. Giá chuối năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước nhưng thu nhập từ việc bán chuối cũng giúp mình mua sắm chuẩn bị cái Tết đàng hoàng hơn”, chị Nhung cười.

leftcenterrightdel
Tờ mờ sáng những chiếc xe chở chuối từ mọi nẻo đường đổ về chợ Tân Long. Ảnh: Minh Tân

Chợ chuối Tân Long đa phần là chuối mật mốc (còn gọi chuối mốc) là loại chuối không thể thiếu trong mâm quả của người dân miền Trung dâng lên bàn thờ gia tiên. Theo những người dân nơi đây, loại chuối này bắt đầu được trồng vào những năm 80 của thế kỷ trước và ngày càng “bén duyên” với vùng đất này. Với khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu của vùng miền núi cao Hướng Hóa đã tạo nên những buồng chuối mật mốc đẹp, tròn đều… mà ít vùng đất nào trồng được.

Thế nên, hơn chục năm trở lại đây, chuối mật mốc và chợ chuối Tân Long đã trở thành thương hiệu riêng biệt cho huyện miền núi Hướng Hóa. Chuối được các thương lái thu mua lại của người dân rồi chở đi tiêu thụ khắp các vùng miền và khu vực ngã ba chợ Tân Long, trở thành chợ chuối lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, trước những ngày rằm, lễ, Tết thì chợ chuối Tân Long lại rộn ràng, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

leftcenterrightdel
Những chị, những mẹ đi bộ hàng cây số mang chuối từ vườn nhà ra chợ. Ảnh: Minh Tân 

Dù hoạt động quanh năm nhưng phải kể từ ngày 20 tháng Chạp đến chiều ngày 30 Tết, chợ chuối Tân Long mới thực sự náo nhiệt hơn cả và đây cũng là thời điểm những buồng chuối đẹp nhất được mang đến chợ. Cảnh mua bán kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, có thời điểm, chợ chuối kéo dài gần 2km dọc theo Quốc lộ 9. Không ồn ào, những người dân chở chuối tập kết dọc theo tuyến đường Quốc lộ 9, đường tỉnh Tân Long - Lìa để chờ thương lái, du khách hoặc người dân đến mua.

leftcenterrightdel
 Đa phần là loại chuối mật mốc được bán tại chợ, đây là loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày lễ, Tết. Ảnh: Minh Tân

Những năm trước, giá chuối tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, thế nên mỗi buồng chuối có giá trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng, có buồng cả triệu đồng với những nải chuối đều, đẹp, sáng bóng. Năm nay, dù giá chuối có thấp hơn những năm trước nhưng đây cũng là nguồn thu lớn của người dân, đặc biệt đối với những người dân đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa.

leftcenterrightdel
 Hai vợ chồng người Vân Kiều đang ngóng chờ thương lái đến mua những buồng chuối. Ảnh: Minh Tân

Bên những buồng chuối đang được các thương lái ngã giá, Hồ Văn Thảo (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) vui mừng ra mặt khi vừa đến chợ đã có người hỏi mua. Bởi đây là những buồng chuối được Thảo chăm sóc chu đáo để bán giá cao vào dịp Tết Nguyên đán. “Chuối mình đẹp nhất chợ đó! Không có buồng nào đẹp hơn nữa đâu”, Thảo tự hào giới thiệu “sản phẩm” của mình với các thương lái đang ngắm nghía.

leftcenterrightdel
Một xe chuối của Thảo vừa được thương lái mua lại và đánh dấu chờ xe tới mang về xuôi tiêu thụ. Ảnh: Minh Tân 

Sau một hồi thỏa thuận, xe chuối của Thảo cũng được các thương lái trả 900.000 đồng. Những buồng chuối nhanh chóng được các thương lái đánh dấu để chờ bốc lên xe đưa về xuôi tiêu thụ. Mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán, có hàng chục tấn chuối từ đây xuôi về các tỉnh, thành phố của miền Trung phục vụ nhu cầu người dân.

leftcenterrightdel
 Chuối nhanh chóng được đưa lên các xe tải để vận chuyển đến khắp các tỉnh, thành miền Trung. Ảnh: Minh Tân

Cất số tiền vào túi áo, Thảo chia sẻ, với 200 gốc chuối được chăm sóc tốt, mỗi vụ chuối Tết Nguyên đán, Thảo thu về hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay sức mua giảm, giá chuối thấp nên Thảo cũng chỉ mới bán được 5 xe chuối, trong khi những năm trước Thảo bán được cả chục xe. Dù giá có thấp hơn nhưng Thảo vẫn vui mừng vì có thêm nguồn thu nhập, mua sắm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

leftcenterrightdel
 Nhờ nghề trồng chuối đã tạo nên thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Minh Tân

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, huyện Hướng Hóa được xem là vựa chuối của khu vực miền Trung khi diện tích trồng chuối hơn 3.500ha. Chỉ tính riêng xã Tân Long, diện tích trồng chuối hàng năm lớn nhất với hơn 2.100ha, với tổng doanh thu từ cây chuối bình quân khoảng 120 tỷ đồng/năm.

“Đã thành thông lệ, chợ chuối Tân Long thường họp bán đến chiều ngày 30 Tết, góp phần tạo nguồn thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Ngày Tết, chuối bán theo buồng, còn vào các ngày thường chuối được bán theo kg để xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Trung Quốc”, ông Thuận cho biết thêm.

leftcenterrightdel
 Chợ chuối Tân Long trở thành thương hiệu riêng biệt cho huyện miền núi Hướng Hóa trong chục năm trở lại đây. Ảnh: Minh Tân

Giữa bạt ngàn những buồng chuối xanh mướt, người mua thoải mái lựa chọn những buồng chuối đẹp nhất, ưng ý nhất. Đặc biệt, sự chất phác của những người dân nơi đây và những nụ cười tươi luôn thường trực trong bộ đồ lao động lam lũ dính đầy nhựa chuối. Và họ tự hào khi những sản phẩm của mình có mặt khắp nẻo chợ quê.

Minh Tân