Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững

Thứ tư, 15/06/2022 - 06:00

(Thanh tra) - Cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là một nội dung trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Chương trình đã kịp thời tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững…

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình chị Hoàng Thị Nhàn thoát nghèo. Ảnh: PTO

Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Là một trong những chi nhánh có mức tăng trưởng tín dụng thuộc tốp 3 của tỉnh Phú Thọ với hơn 59 tỷ đồng trong năm 2021. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ các chương trình đạt gần 508 tỷ đồng với hơn 14.000 khách hàng còn dư nợ; tỉ lệ quá hạn chiếm 0,12%.

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho hơn 5.550 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng dư nợ gần 270 tỷ đồng thông qua 4 tổ chức chính trị với 398 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nhanh chóng vốn vay để vượt qua khó khăn.

Trước năm 2017, gia đình chị Hà Thị Liên, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì xã. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Sau khi rà soát và được các cấp chính quyền quan tâm, hướng dẫn thủ tục vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế, sau đó gia đình chị Liên được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn cho vay vốn để đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên năm 2017, gia đình chị Liên đã thoát nghèo.

Người dân xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy tìm hiểu về nguồn vốn NHCS. PTO

Chị Liên chia sẻ, nếu dừng lại ở hộ mới thoát nghèo thì nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao do không có vốn để đầu tư tiếp. Nghĩ vậy, chị Liên quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ Chương trình nâng mức dành cho hộ mới thoát nghèo năm 2019 để mở rộng chuồng trại, quy mô sản xuất. Nhờ đó, đến nay gia đình chị đã có một đàn bò giống, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. “Nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống" Chị Liên chia sẻ thêm!

Cùng chung hoàn cảnh với chị Liên, gia đình ông Bùi Hạnh Phúc, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh từng là hộ nghèo nhiều năm. Nhà năm miệng ăn, tuy có sức lao động, nhưng thiếu vốn khiến gia đình ông cứ luẩn quẩn với nghèo túng. Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Ninh đã tạo điều kiện cho gia đình ông vay 40 triệu đồng để chăn nuôi gà, lợn. Lợn nái sinh sản đến đâu, ông Phúc nhân đàn đến đó. Lứa nọ gối lứa kia, dần dần cũng hoàn trả được vốn vay, số dư sửa lại ngôi nhà xuống cấp từ lâu. Cuối năm 2020, gia đình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của khu.

Ông Phúc chia sẻ, “Thoát nghèo, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mở mày mở mặt với bà con lối xóm, song cũng lo không biết chăn nuôi có bền vững không hay lại thất bát, rồi tái nghèo. Đúng lúc ấy, tôi được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tư vấn, tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo. Có vốn, tôi tiếp tục đầu tư vào mở rộng chuồng trại, nhân đàn lợn. Nhờ phát triển chăn nuôi đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Trừ chi phí năm nay, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn, nguồn vốn ưu đãi được coi như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện rà soát các đối tượng được vay vốn kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng; kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu cho giai đình góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, thêm điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới…

Đẩy mạnh khơi thông nguồn vốn tín dụng

Vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được chuyển tải tới hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách với quy trình thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay để giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích cho vay. Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người vay, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà tích cực sản xuất kinh doanh có hiệu quả… Nhờ vậy, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao.

Trên thực tế, tại Phú Thọ những năm gần đây, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh có gần 15.000 hộ thoát nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ tái nghèo thấp hơn nhiều so với tổng số hộ nghèo.

Kết quả này có được một phần là nhờ tác động từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong số đó, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã và đang có hiệu ứng rất tích cực trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ khẳng định, với sự hỗ trợ đắc lực từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội, chắc chắn sẽ có thêm nhiều gia đình thoát ra khỏi nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

Như vậy, có thể nói nguồn tín dụng ưu đãi này đã trao “cần câu” giúp hàng nghìn hộ mới thoát nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Minh chứng sống là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 8,5% (năm 2015) xuống còn 4,58% (năm 2020).

Tuy nhiên, sau gần bảy năm triển khai chính sách này đã bộc lộ một số bất cập như: Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo trong vòng ba năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; thời hạn tối đa cho vay năm năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi…

Do vậy, để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của chính sách góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững, kể từ ngày 30/3/2021, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.

Đồng thời, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ nghiên cứu đề nghị xem xét cho phép đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo lên tối đa là năm năm, kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Với sự điều chỉnh này sẽ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân mới thoát nghèo.

Về mục tiêu giải ngân vốn trong năm 2022, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho hay, doanh số cho vay của 3 chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt hơn 427 tỷ đồng, chiếm 50,65% tổng doanh số cho vay các chương trình trên địa bàn.

Dư nợ đạt trên 2.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,33%/ tổng dư nợ các chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai. Riêng đối với nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.400 lượt hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vốn vay với số tiền đã giải ngân gần 92 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và các nội dung theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022 theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng tập trung cân đối nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho phát triển kinh tế gia đình, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Tạ Văn Toàn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chứng khoán tuần cuối năm: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Chứng khoán tuần cuối năm: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia chứng khoán, tuần giao dịch cuối năm thường là giai đoạn nhạy cảm trên thị trường khi các yếu tố nội tại và ngoại cảnh đều có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và quyết định đầu tư.

Đông Hà

19:41 22/12/2024
Ngân Hàng TMCP Quân Đội (MB Bank): Khẳng định vị thế trong danh sách thương hiệu dẫn đầu 2024

Ngân Hàng TMCP Quân Đội (MB Bank): Khẳng định vị thế trong danh sách thương hiệu dẫn đầu 2024

(Thanh tra) - Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 25 thương hiệu dẫn đầu năm 2024, đánh dấu năm thứ chín liên tiếp thực hiện danh sách này. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) một lần nữa khẳng định vị thế của mình khi đứng thứ hai trong danh sách với giá trị thương hiệu đạt 550 triệu đô la Mỹ.

Phúc Anh

09:44 22/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm