Chiều 23/5, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn tổng thu cân đối ngân sách gần 2,28 triệu tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán hơn 1,51 triệu tỷ đồng.

Tổng chi cân đối ngân sách là hơn 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán là gần 1,71 triệu tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là hơn 643,4 nghìn tỷ đồng.

Bội chi ngân sách Nhà nước là hơn 216,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thấp, giảm gần 152 nghìn tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép theo Nghị quyết 128. Trong đó bội chi ngân sách Trung ương là hơn 213 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 3.317 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, nguồn bù đắp bội chi ngân sách Trung ương từ vay trong nước là hơn 178,5 nghìn tỷ đồng; vay ngoài nước là hơn 34,5 nghìn tỷ đồng.

“Nhờ kiểm soát bội chi ngân sách và cơ cấu lại nợ công, nên tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020”, Bộ trưởng Tài chính nói.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X 

Kỳ hạn nợ cũng được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh COVID -19.

Tuy nhiên trong báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh lưu ý, dư nợ công đến 31/12/2020 là 3,52 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).

Như vậy, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người.

Ông Thanh cũng cho biết, việc thực hiện thu ngân sách còn hạn chế như một số khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều hụt thu, khoản thu từ các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 37,1% so với dự toán.

Đáng chú ý, khoản nợ thuế tính đến 31/12/2020 là hơn 99 nghìn tỷ đồng, giảm 0,63%, chủ yếu do thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ. Nợ thuế quá hạn là hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1%.

Trong khi, chi cho đầu tư phát triển thì một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài thấp đã làm giảm hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.

Quyết toán chi thường xuyên ở một số khoản chi sự nghiệp từ ngân sách trung ương có tỉ lệ thực hiện thấp; đặc biệt là chi bảo vệ môi trường đạt tỉ lệ rất thấp.

Tổng số tiết kiệm chi theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ đã được báo cáo Quốc hội là hơn 1,5 nghìn tỷ đồng. Song, còn một số đơn vị số tiết kiệm theo quyết toán thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Đ.X

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2020 như đề xuất của Chính phủ.

Cơ quan này đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm về đánh giá tình hình thực hiện thu chi ngân sách. Theo bà Nguyễn Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, khi còn 2 tháng hết niên độ ngân sách vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế lại thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quản lý chặt các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách Trung ương, vay nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay.

Hương Giang