Dự án “đồ sộ” lên tới 4.500 tỷ đồng

UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định về việc công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Đầm Cà Ná.

UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gồm Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần Bất động sản Đông Đô - Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Kiều Anh Tuấn) là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Đầm Cà Ná.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung nộp hồ sơ trình quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án khu đô thị mới Đầm Cà Ná theo quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Tài chính phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương xác lập giá sàn nộp ngân sách Nhà nước, làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

Liên quan đến dự án này, hồi tháng 10/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với kKhu đô thị mới Đầm Cà Ná.

Dự án thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam với quy mô hơn 64ha, tổng vốn đầu tư gần 4.491 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với khu dân cư hiện hữu tại xã Phước Diêm; phục vụ một phần nhu cầu làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cảng biển và khu điện khí LNG...

Tiến độ thực hiện dự án 6 năm kể từ ngày được lựa chọn nhà đầu tư. Giai đoạn triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư một năm; hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm; công tác đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trong 2 năm; công tác đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất thời gian hoàn thành trong 1,5 năm.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 hồi tháng 4/2021, khu đô thị mới Đầm Cà Ná có 31,7ha đất ở. Trong đó, đất ở hỗn hợp khoảng 7,5ha (tầng cao tối đa 30 tầng), đất ở liên kế 16,8ha, đất nhà ở biệt thự 2,5ha, đất nhà ở xã hội gần 3ha, đất ở hiện trạng chỉnh trang 1,2ha và đất ở khác...

Quy mô ngày càng thu hẹp

Theo tìm hiểu của Báo Thanh tra, Tuấn Dung Group được thành lập từ tháng 12/2004 hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với số vốn điều lệ ban đầu là 350 tỷ đồng, đặt trụ sở tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Người đại diện pháp luật ban đầu của công ty là bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1964) đồng thời giữ chức vụ Giám đốc. Bà Tâm cũng nắm giữ tới 75% vốn điều lệ công ty, còn lại 25% vốn điều lệ thuộc về bà Nguyễn Thị Thùy Dung.

Tại thời điểm tháng 4/2020, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi khi bà Thùy Dung thoái toàn bộ vốn, thay vào đó có sự xuất hiện của ông Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1987) nắm 42,1% vốn điều lệ, còn lại bà Tâm vẫn giữ 57,9% vốn điều lệ.

Tới tháng 10/2021, ông Tuấn Anh và bà Nguyễn Thị Tâm cùng giữ chức đồng đại diện pháp luật của công ty. Trong đó, ông Tuấn Anh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên, bà Tâm giữ chức Giám đốc Công ty.

Sau khi thực hiện tăng vốn vào năm 2019, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2020 lên đến 500 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cũng theo đó tăng vọt từ khoảng xấp xỉ 390 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2016 - 2018 lên 514 tỷ đồng vào cuối năm 2019 và tiếp tục tăng lên gần 624 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Ngược lại, tổng tài sản của Tuấn Dung Group lại liên tục sụt giảm từ mức gần 1.250 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 808 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Quy mô tài sản thậm chí đã thu hẹp xuống mức thấp hơn cả năm 2016.

leftcenterrightdel
 

Nguồn vốn tài trợ cho sự mở rộng quy mô trong giai đoạn 2016 - 2018 trước đó đến từ nợ phải trả đã bị cắt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Việc giảm nguồn vốn chi phí cao có thể giúp Tuấn Dung Group cải thiện lợi nhuận nhưng mặt khác cũng đặt ra dấu hỏi về khả năng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, quy mô liên tục thu hẹp nhưng doanh thu của Tuấn Dung Group lại liên tục tăng trong những năm gần đây.

Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 580 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66% so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần cũng tăng đột biến gấp 8,6 lần lên gần 110 tỷ đồng.

Trong giai đoạn mở rộng quy mô (2016 - 2018), Tuấn Dung Group chỉ tạo ra doanh thu vài chục tỷ đồng trên khối tài sản có thời điểm vượt trên 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng chỉ lãi tượng trưng gần 3 tỷ đồng năm 2018 trong khi 2 năm trước đó đều lỗ.

Với đặc thù lĩnh vực bất động sản, sự thu hẹp quy mô có thể sẽ khiến triển vọng trong tương lai của Tuấn Dung Group gặp nhiều thách thức khi các dự án đã bàn giao và hạch toán doanh thu, lợi nhuận trong khi không thể phát triển được quỹ đất để gối đầu.

Gia Nguyên