Cụ thể, mức room ngoại tối đa của những ngân hàng chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ do Chính phủ quyết định. Tỷ lệ này được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng (theo quy định hiện hành), nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc.

Động thái này của Ngân hàng Nhà nước được xem là cơ chế ưu đãi với những nhà băng sắp tới tham gia vào nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu là DongABank, CBBank, Oceanbank và GPBank.

Đến nay, Vietcombank, MB, HDBank, VPBank là những đơn vị đã tiết lộ ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc, song chưa nêu rõ đơn vị cụ thể.

Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng tại đại hội cổ đông hồi tháng 4  cho biết, nhà băng này dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tại mùa đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Ngân hàng MB cho biết, nhà băng dự kiến nhận chuyển giao một "ngân hàng 0 đồng" với quy mô tài sản dưới 10% tổng tài sản của MB. Việc nhận chuyển giao bắt buộc, theo ông Thái, vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.

Cổ đông HDBank hồi tháng 8 cũng đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Đây là một trong số ít tổ chức tín dụng được trao quyền lựa chọn tham gia nhiệm vụ và nhà băng đã chuẩn bị cho trọng trách này.

VPBank tuy chưa công bố kế hoạch cụ thể và chưa xin ý kiến cổ đông, nhưng lãnh đạo ngân hàng cũng từng tiết lộ việc nghiên cứu nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.

N.Đ