Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% là “rất thách thức”

Sau kết quả ấn tượng năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32% trong quý I, thấp hơn kịch bản 5,6% đề ra từ đầu năm tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1% theo kịch bản tại Nghị quyết 01.

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%. Để đạt được mục tiêu điều này, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01).

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kịch bản 2 “rất thách thức”. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.  

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.

“Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm, đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra kịch bản kinh tế và dự báo tăng trưởng Việt Nam có thể đạt mức 6,5% trong năm 2023 và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

“Chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. 

Khi một lượng vốn lớn được bơm ra thị trường sẽ giúp kích thích lưu thông, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp 1% vào mức tăng trưởng GDP, theo ông Cường.

Tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Thủ tướng đã giao hơn 707.044 tỷ đồng vốn đầu tư cho từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bằng 100% số vốn Quốc hội phân bổ năm 2023.

Tính đến cuối tháng 3, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 617.244 tỷ đồng, đạt 87,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Số vốn gần 89.800 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết nguyên nhân chủ yếu do khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hơn 73.192 tỷ đồng được giải ngân (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao). Con số này thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng số tuyệt đối cao hơn khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Đ.X

Cập nhật tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành khoảng trên 37.927 tỷ đồng trong tổng số vốn trên 57.818 tỷ đồng, tương đương 65,6% giá trị hợp đồng.

Với giai đoạn 2021 - 2025, 12 gói thầu xây lắp của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công. Các địa phương đã bàn giao giải phóng mặt bằng được hơn 559km (đạt 77,5%) đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II năm 2023. 

Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương được phân cấp là cơ quan chủ quản cũng đã phê duyệt đầu tư 8/10 dự án thành phần của 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Để có vốn thực hiện các dự án cao tốc, trong đó có 3 dự án cao tốc trên, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa ký tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm hơn 24.594 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải cho các địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, theo Bộ trưởng, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.

Bộ trưởng đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.

Kinh tế quý II dự báo tiếp tục khó khăn, đề nghị có chính sách hỗ trợ mới

Trở lại đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I, khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ cơ bản ổn định, phục hồi khá. Nhưng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ, lương thực, thực phẩm… và của các địa bàn công nghiệp trọng điểm như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… giảm hoặc tăng thấp.

Qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý I, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, đơn hàng dệt may giảm 15-20%... Các doanh nghiệp xây dựng chưa đạt được 10% kế hoạch năm. 

“Khó khăn có thể kéo dài hết quý II năm 2023”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 chỉ tăng 2,06%, cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Đáng lưu ý, lần đầu tiên trong giai đoạn quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp).

Việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vẫn là vấn đề khi số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong quý I kể từ năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay. 

Các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ giảm vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cao nhất là: Vận tải kho bãi (giảm 80,4%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 72,7%); Thông tin và truyền thông (giảm 68,9%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 66,6%); Kinh doanh bất động sản (giảm 60,5%)...

Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Hương Giang