Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 11/02/2022 - 06:36
(Thanh tra) - “Ý thức phòng chống dịch của người dân tốt, cộng với độ phủ vaccine tốt thì rõ ràng Việt Nam có điều kiện để tự tin mở cửa nền kinh tế và mở cửa lúc này là xu hướng tất yếu”.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Đ.X
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.
Không mở cửa, Việt Nam sẽ lỡ nhịp phục hồi
+ Việt Nam đã đạt độ phủ vaccine phòng COVID -19 tốt, nhưng dịch COVID -19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông, lúc này đã là thời điểm phù hợp để Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay chưa?
Đóng cửa nền kinh tế để phòng chống dịch đã làm cho nền kinh tế chao đảo, suy giảm trầm trọng. Điều này đã được chứng minh không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Năm 2020, kinh tế thế giới lao dốc đến 6%, trong khi Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP đạt 2,9% do mức độ đóng cửa ít, không phong tỏa chặt như một số nước. Sang năm 2021, khi Việt Nam đóng cửa chặt ở một số tỉnh, thành thì nền kinh tế rơi rất mạnh, từ dương 6% trong quý II đến âm 6% quý III.
Đến nay trên thế giới có xu hướng rất rõ là mở cửa, rất nhiều nước coi dịch COVID -19 là bệnh đặc hữu và xác định sống chung an toàn vì họ đã tiêm vaccine phòng COVID -19.
Với Việt Nam, năm 2021, chúng ta phải đóng cửa vì khi đó gần như “trắng vaccine”. Nhưng đến này, từ nước “trắng vaccine” với tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam vươn lên trở thành một trong 6 nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới.
Khi có độ phủ vaccine tốt thì đó là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta chung sống an toàn với dịch COVID -19. Không chỉ vậy, Việt Nam còn có lợi thế là ý thức người dân trong phòng chống dịch rất tốt khi đều tuân thủ các biện pháp như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang…
Ý thức tốt, cộng với vũ khí vaccine thì rõ ràng chúng ta có điều kiện để tự tin mở cửa nền kinh tế và mở cửa lúc này là tất yếu.
+ Nếu không mở cửa kịp thời, ông có lo ngại gì cho sự phát triển của kinh tế - xã hội?
Kinh tế thế giới đang phục hồi, hầu hết các nước đang mở cửa trở lại. Đây là cơ hội để các nền kinh tế chớp lấy đà phục hồi của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế của mình. Nếu không mở cửa, Việt Nam sẽ lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng suy giảm.
Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, tức là hoạt động kinh tế phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Nếu không mở cửa, không theo kịp những yêu cầu của nền kinh tế thế giới, không cung cấp các kết nối hàng hóa thì sẽ mất bạn hàng, mất thị trường.
Không chỉ thế, các lợi thế của Việt Nam đang có về các hiệp định thương mại, vị trí địa lý, nguồn nhân lực… để thu hút nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn nữa.
Năm 2021, khi chúng ta đóng cửa, kiểm soát chặt để phòng chống dịch thì một số doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đơn hàng ra nước ngoài. Nếu vẫn để tình trạng đó, thì không chỉ chuyển đơn hàng nữa, có khi nhà đầu tư sẽ tính toán lại việc phân bổ các cơ sở, nhất là trong bối cảnh các chuỗi phân bổ về hoạt động cung ứng toàn cầu đang thay đổi.
Như vậy, nếu đóng cửa, chúng ta không chỉ mất kết nối hoạt động trong nước với nước ngoài mà còn mất cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngay lập tức, toàn bộ hoạt động kinh tế Việt Nam sẽ tách ra khỏi vòng quay phát triển của thế giới.
Trong khi, rất nhiều tiềm năng kinh tế ở Việt Nam đòi hỏi phải có kết nối, mở cửa. Điển hình, du lịch - một ngành mũi nhọn, 2 năm qua khi dịch xảy ra thì gần như đóng cửa hoàn toàn, dẫn đến ngành dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế rất thấp. Hay với sản phẩm nông nghiệp, không chỉ có tiềm năng xuất khẩu ra thế giới mà xuất khẩu tại chỗ cũng có ý nghĩa rất lớn như các đặc sản trở thành sản phẩm tiêu dùng, bán cho các khách du lịch.
Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số, người ta thấy có thể thay đổi phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động. Thậm chí, một người làm việc văn phòng ở một nước nào đó hoàn toàn có thể vừa đi du lịch, vừa làm việc online. Nếu phát triển tốt hoạt động du lịch kết hợp với ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, hạ tầng thông tin tốt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ, thành các văn phòng di động của thế giới.
+ Làm thế nào để thực hiện vừa chung sống an toàn với dịch, vừa mở cửa nền kinh tế bền vững, thưa ông?
Để sống chung an toàn với dịch bệnh và mở cửa một cách chủ động, chúng ta phải có các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Để kiểm soát dịch thì việc đầu tiên là đầu tư trang thiết bị, điều kiện cho phòng chống dịch. Tôi cho rằng, đây không phải vấn đề lớn nhưng là vấn đề cần phải được quan tâm rộng khắp, thường xuyên. Nếu đội ngũ y tế, cũng như trang thiết bị y tế ở cơ sở đủ năng lực hỗ trợ cho người mắc COVID -19 thì không tạo áp lực cho tuyến trên. Cạnh đó là phải có đủ vaccine tiêm phòng cho người dân và đủ thuốc điều trị bệnh.
Quan trọng hơn, phải đưa ra các chỉ báo về kiểm soát để đánh giá mức độ dịch bệnh. Ví dụ, trước đây ta coi trọng việc phát hiện kịp thời F0 và truy vết những người tiếp xúc gần để cách ly. Hiện nay, F0 có phải là vấn đề nữa hay không vì nhiều người mắc bệnh vẫn bình thường, chỉ khi đi test mới phát hiện. Còn việc truy vết F1 cũng không còn ý nghĩa nữa.
Theo tôi, ngành Y tế cần kịp thời đưa ra các chỉ báo về phòng chống dịch. Từ đó sẽ thay đổi trạng thái phòng chống dịch để mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi thay đổi các chỉ báo phòng chống dịch cũng không được chủ quan, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Nếu để dịch bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì chúng ta buộc phải sử dụng biện pháp thắt chặt, ảnh hưởng đến lộ trình mở cửa.
Thay đổi cách đánh giá, dung hòa lợi ích và trách nhiệm
+ Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dù Chính phủ đã có văn bản không “ngăn sông cấm chợ” người dân về quê ăn Tết. Thực tế, nhiều tỉnh, thành vẫn đưa ra những biện pháp làm khó người dân về quê dù họ đã tiêm 3 mũi vaccine, thậm chí có giấy xét nghiệm âm tính với COVID -19. Theo ông, để mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương có phải “mở cửa” tư duy chống dịch hay không?
Để tránh tình trạng cục bộ địa phương khi mở cửa, trước hết ngành Y tế phải đưa ra các chỉ báo về mức độ kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp. Trong chỉ báo đó, đề cập đến tình trạng dịch bệnh cần căn cứ vào cái gì, có nên coi trọng việc xác định số lượng F0 nữa hay không? Phải chăng lúc này chỉ cần tính đến số người chuyển nặng nhập viện? Nếu số người mắc COVID -19 ở địa phương đó phải nhập viện tăng cao thì cần phải kiểm soát.
Vấn đề quan trọng nữa đó là phải xác định vai trò quản lý ngành trên toàn quốc. Ví dụ, ngành Y tế đưa ra biện pháp phòng chống dịch như thế nào thì địa phương phải thực hiện như vậy. Hay ngành Giao thông quy định phương tiện di chuyển thế nào trong điều kiện dịch bệnh thì địa phương phải tuân thủ.
Như vậy, vai trò chỉ đạo thống nhất từng ngành trên cả nước phải tăng lên, tránh tình trạng địa phương tự đặt thêm các quy định và khoanh vùng theo quy định của địa phương.
Thực tế, vấn đề xung đột giữa kiểm soát dịch bệnh và mở cửa cho các hoạt động diễn ra ở nhiều địa phương. Nếu kiểm soát chặt sẽ không xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát. Khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ nhẹ gánh vì hoàn thành trách nhiệm, nhưng doanh nghiệp, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Khi mở cửa thì các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng phục hồi và đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải chịu gánh nặng nhiều hơn khi dịch có thể bùng phát.
Cho nên, chúng ta phải làm sao dung hòa được lợi ích và trách nhiệm này. Muốn vậy phải thay đổi cách đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các địa phương.
Chúng ta không nên chỉ dựa vào tiêu chí hoàn thành công việc là thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà phải thêm điều kiện, đó là có đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp hay không? Có giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi hay không? Tức là, chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý sang phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; phải lấy chỉ tiêu kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động của cơ quan quản lý.
+ Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 01, trong đó yêu cầu bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tránh những rủi ro khi mở cửa, theo ông, hoạt động nào được mở cửa trước, hoạt động nào sau?
Rõ ràng mở cửa cũng phải xét đến những ngành, lĩnh vực ít có nguy cơ tạo ra rủi ro về dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất (nhà máy, công xưởng, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp….), người nông dân, công nhân đều đã tiêm vaccine, thực hiện 5K, không tiếp xúc trực tiếp… thì đều có thể mở cửa.
Những lĩnh vực có thể nguy cơ cao gây lây nhiễm dịch bệnh như lưu thông giao thông thì mở cửa phải đi kèm các biện pháp kiểm soát. Chúng ta có thể mở cửa, đón khách du lịch nhưng phải kèm theo điều kiện như đã tiêm vaccine, không mắc bệnh…
Hay các lĩnh vực dịch vụ có tính chất nhạy cảm như karaoke, vũ trường… khi mở cửa thì phải kiểm soát người tham gia như tiêm vaccine chưa, có phải là F0 không.
Tôi cho rằng, hầu hết các lĩnh vực đều có thể mở cửa, nhưng phải đi kèm theo điều kiện là tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn…
+ Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, bên phía Viettel cho rằng lí do đơn vị bị loại khỏi gói thầu là chưa thỏa đáng, và có các kiến nghị gửi đến chủ đầu tư Gói thầu 01XL là Công an tỉnh Phú Yên.
Thanh Giang
20:37 22/12/2024(Thanh tra) - Theo các chuyên gia chứng khoán, tuần giao dịch cuối năm thường là giai đoạn nhạy cảm trên thị trường khi các yếu tố nội tại và ngoại cảnh đều có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và quyết định đầu tư.
Đông Hà
19:41 22/12/2024TC
18:51 22/12/2024Phúc Anh
09:44 22/12/2024Trần Quý
17:26 21/12/2024TC
23:05 20/12/2024Đông Hà
Thanh Giang
Kim Thành
Đông Hà
Trần Quý
Ngọc Giàu
Trần Kiên
Nhật Minh
TC
TC
Thu Huyền