Truyền thống hào hùng

Địa danh Củ Chi được hình thành từ cuối thế kỷ 17, thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Qua nhiều lần thay đổi dưới thời phong kiến và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng được thành lập, quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương được sáp nhập vào địa bàn TP Hồ Chí Minh thành một đơn vị hành chính gọi là huyện Củ Chi.

Trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi là địa bàn luôn diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân xâm lược, bọn ác ôn đồng thời cũng là nơi để lực lượng cách mạng xây dựng căn cứ kháng chiến, làm bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của quân địch.

Đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân bố ráp hòng tiêu diệt ý chí chiến đấu của quân và dân Củ Chi. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, huyện Củ Chi có hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; phong tặng, truy tặng 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có 2 đơn vị lực lượng vũ trang và 19/21 xã, thị trấn thuộc huyện đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong chiến tranh, bình quân mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” 1,5 tấn đạn bom do kẻ thù ném xuống. Hàng chục ngàn ngôi nhà bị cháy sập, hàng vạn hecta ruộng vườn bị cày xới, mặt đất dày đặc hố bom, trong lòng đất còn ẩn chứa đầy rẫy bom mìn.

Đương đầu với những thách thức ác liệt và nghiệt ngã đó, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã quyết tâm bám trụ, chiến đấu kiên cường với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, thể hiện khí phách hào hùng của một dân tộc với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Quân và dân Củ Chi với tinh thần sáng tạo không ngừng, đánh giặc bằng trăm phương ngàn cách, với mọi thành phần không phân biệt già, trẻ, lớn, bé; mỗi người dân đều là chiến sĩ, với mọi công cụ trên mọi địa bàn tác chiến, “vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần” (trích văn bia tại Đền Bến Dược, Củ Chi).

Tinh thần ấy là nguồn cội tạo nên biểu tượng của quân và dân Củ Chi - là địa đạo Củ Chi, trận đồ biến hóa và sáng tạo trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, là một “kỳ quan đánh giặc” độc đáo có một không hai, không chỉ được nhân dân cả nước mà còn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các lực lượng võ trang nhân dân Giải phóng toàn miền Nam lần thứ II do Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền Nam tổ chức ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng Củ Chi danh hiệu “Đất thép thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba.

Đây là niềm tự hào và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những chiến công của đồng bào và chiến sĩ Củ Chi anh hùng, đã phát huy truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc, chiến đấu vô cùng anh dũng và bền bỉ, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Đất thép nở hoa

Bước ra khỏi cuộc kháng chiến cứu nước đầy vẻ vang nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất thép Củ Chi từng bước vượt qua khó khăn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương đổi mới, ổn định và phát triển. Những công trình mang đậm dấu ấn vượt khó những ngày đầu giải phóng mà tiêu biểu là công trình thủy lợi Kênh Đông, được ví như địa đạo nổi trên lòng đất hoặc hệ thống giao thông nông thôn kết nối toàn huyện và địa bàn lân cận.

Đến nay, 100% số xã trên toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Củ Chi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hồ Chí Minh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hoá của người dân có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng địa phương được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel

Nhiều khu công nghiệp được hình thành giúp Củ Chi thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ảnh: NH

Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của TP Hồ Chí Minh, nơi có tuyến đường xuyên Á nối liền TP Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh và sang Campuchia. Là địa bàn tiếp giáp với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều hệ thống kênh rạch, huyện Củ Chi có nhiều thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành trên địa bàn huyện Củ Chi, với sự đa dạng ngành nghề, đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân cả nhiệm kỳ đạt 16,16%, vượt 0,48% chỉ tiêu. Công nghiệp trên địa bàn huyện tăng 16,6%, chiếm tỷ trọng gần 77,5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 6.878 tỷ đồng, đạt 218% so với chỉ tiêu đề ra, tốc độ tăng bình quân hàng năm gần 23%.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Củ Chi phấn đấu phát triển hơn nữa, với các tiêu chí: Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2025 là 159.473,217 tỉ đồng, tăng bình quân 12,73%/năm.Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt trên 10.000 tỉ đồng, tăng bình quân hàng năm 10%. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 4.000 tỉ đồng, trong đó phấn đấu vốn huy động chung sức trong xã hội đạt 100 tỉ đồng. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch vốn được giao hằng năm. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng/người/năm...

Cùng với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, huyện Củ Chi cũng đã đề ra 6 chương trình trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 là: Chương trình khởi nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp; chương trình xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bền vững giai đoạn 2020 - 2025; chương trình xây dựng ấp, khu phố tự quản về an ninh trật tự và môi trường; xây dựng đường, ngõ, hẻm không rác, xanh - sạch - đẹp; chương trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội tự nguyện; chương trình tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, chất lượng, hiệu quả của chi bộ ấp - khu phố; chương trình nâng cao hiệu quả công tác dân vận, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống.

Cảnh Nhật