Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Chiết Giang đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công thương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thành phố Trùng Khánh và tỉnh Chiết Giang ngày càng phát triển.

Đối với thị trường Chiết Giang, kể từ khi có sự hiện diện của Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, cho đến nay đã góp phần thúc đẩy đưa kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại song phương Việt Nam - Chiết Giang tăng trưởng vượt bậc, tăng 100% từ 9,3 tỷ USD năm 2018 lên 19,1 tỷ USD năm 2023 theo thống kê của Hải quan Trung Quốc. Đồng thời cũng góp phần đưa Việt Nam lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 2 trong các nước ASEAN trong hợp tác thương mại với tỉnh Chiết Giang và là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới của tỉnh Chiết Giang.

Những con số thống kê nêu trên là minh chứng cụ thể cho tính hiệu quả của hai văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai địa phương Trùng Khánh, Chiết Giang với Việt Nam.

Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18/8 - 20/8/2024, phía Trung Quốc cũng đưa việc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc vào Tuyên bố chung hai nước. Đây sẽ là một tiền đề quan trọng để Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục phối hợp với tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo kim ngạch hai chiều giữa hai nước năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, vượt xa mức trao đổi thương mại trong năm 2023.

Dự báo trong thời gian tới, cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của hàng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là rất lớn bởi nhiều nhân tố. Trong đó, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ của hai nước ngày càng được thắt chặt và củng cố tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển; tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước là rất lớn; nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản có thế mạnh, có giá trị cao của Việt Nam như: Sầu riêng (bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh), tổ yến, dừa tươi… đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; do đặc thù về vị trí địa lý nên hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai nước rất đa dạng, hiệu quả, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Trung Quốc; thị trường Trung Quốc có quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, vì vậy có nhiều dư địa để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và khai thác.

Uyên Uyên