Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, đến ngày 8/8/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trên 15.700 tỷ đồng; trong đó, đã phân khai chi tiết gần 15.100 tỷ đồng.

Hiện tại, đã giải ngân được gần 4.300 tỷ đồng, đạt 28,4% kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (35%) và cùng kỳ năm 2022 (36%).

Qua đánh giá kết quả giải ngân vốn cấp tỉnh cho thấy, có 5 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (57,5%); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (56,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh (38,3%); Ban Quản lý trồng rừng Việt Đức (32,4%); Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 (32,9%).

Có 4 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (26,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (27,8%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (15,5%); Công an tỉnh (9,5%).

Đối với vốn ngân sách cấp huyện, có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm: Hạ Long (37,8%), Quảng Yên (31,4%), Móng Cái (31,02%), Ba Chẽ (30,5%). 9 địa phương còn lại đều có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh; trong đó, thấp nhất là huyện Hải Hà (13,9%) và thị xã Đông Triều (15,7%)…

Lý giải về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, tỉnh Quảng Ninh nhận định, nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm; việc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và tiến độ xử lý tài sản công, triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm so với yêu cầu…

Đánh giá về công tác này, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và tỉnh xác định là nguồn lực tăng trưởng kinh tế. Chưa có năm nào, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như năm nay; tuy nhiên, kết quả đạt được lại không như mong muốn, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Trước thực trạng này, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công.

Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các chủ đầu tư, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn kéo dài, thu hồi vốn tạm ứng; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới đã nằm trong kế hoạch.

Đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian qua, Quảng Ninh luôn xác định đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng. Trên cơ sở nhận định rõ các nguyên nhân, tồn tại, tỉnh sẽ đề ra những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để bứt tốc, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trọng Tài