Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như thế nào?

Trần Quý

Thứ hai, 30/12/2024 - 15:56

(Thanh tra) - Chiều ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ĐSTĐC). Đây là quyết định mang tính lịch sử, kỳ vọng tạo ra sức bật cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình.

Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình. Ảnh: MH

Dự án ĐSTĐC được xây dựng khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), thời gian chuẩn bị đầu tư trong 2 năm (2025 -2026), khởi công vào năm 2027, thi công trong 8 năm, hoàn thành vào năm 2035.

Quốc hội nhận định, dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, đòi hỏi phải xác định được những việc cần làm ngay với nỗ lực và quyết tâm cao nhất.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn trực tiếp tham gia nghiên cứu và tham gia xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ ban hành nghị quyết, dự kiến dự án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu Tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) với các nhiệm vụ: Xây dựng các nhiệm vụ để lựa chọn tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế tổng thể kỹ thuật; mời thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn; triển khai công tác khảo sát; thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế tổng thể kỹ thuật và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC. Giai đoạn này thực hiện trong thời gian 2025-2027.

Giai đoạn 2 là thi công, mua sắm thiết bị (từ năm 2027-2035), gồm các nhiệm vụ: Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công; thi công xây dựng; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.

Giai đoạn 3 là vận hành thử và khai thác thương mại (năm 2036) với các nhiệm vụ: Vận hành thử nghiệm; đánh giá an toàn hệ thống và vận hành thương mại.

Nguồn vốn đầu tư dự án cũng đã được các bộ, ngành cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: MH

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ĐSTĐC sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm trong ngắn hạn cũng như vừa tạo không gian phát triển mới trong dài hạn.

"Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn, cũng như căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước thì việc quyết tâm xây dựng ĐSTĐC Bắc - Nam đồng bộ, hiện đại mang tầm quốc tế, theo tôi là rất cần thiết và khả thi trong giai đoạn hiện nay", đại biểu Mai Văn Hải nhìn nhận.

Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, để dự án được triển khai đúng lộ trình, dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành năm 2035, một cơ chế đặc thù rất quan trọng đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua là chủ đầu tư được lập thiết kế tổng hợp kỹ thuật thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Cơ chế này sẽ góp phần rút ngắn tiến độ khoảng 1 năm so với thực hiện theo quy trình thông thường.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, đây là một dự án khó, mới, vì vậy cần đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế để có đủ khả năng hỗ trợ chủ đầu tư trong việc quản lý dự án. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ các vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng rằng cần thiết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khi triển khai dự án, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Bởi dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, vốn xây dựng dự án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay. Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Công tác GPMB cho dự án cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý. Ảnh: MH

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn để thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỷ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT; giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031-2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là dự án quan trọng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, do vậy cùng với những khí thế, quyết tâm thì cũng có những lo lắng, quan ngại nhất định về hiệu quả và nguồn lực dành cho dự án.

“Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, chủ động, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tôi cũng như nhiều cử tri tin tưởng dự án sẽ sớm được thực hiện thành công, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước cả trước mắt và tương lai lâu dài", ông Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để dự án đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan để rà soát nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời, nhằm triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ đó là chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), do vậy, không ít cử tri lo ngại dự án ĐSTĐC cũng không ngoại lệ. Mặc dù chưa có con số cụ thể, song theo thống kế sơ bộ, để triển khai thực hiện dự án, phải giải phóng hàng trăm ha mặt bằng, trong đó phải bố trí tái định cư cho hàng nghìn hộ dân; di dời nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: Các công trình ngầm; đường điện; hệ thống thông tin… Tiến độ GPMB là một trong những yếu tố “quyết định” đến tiến độ thực hiện dự án.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) nhận định, đây là dự án mang tầm vóc thế kỷ của đất nước và Quảng Trị có vinh dự khi là một trong 20 địa phương dự án ĐSTĐC Bắc - Nam đi qua.

Nữ đại biểu cho rằng, thiết kế đường sắt tốc độ cao về cơ bản ít tốn diện tích đất hơn là đường bộ, nhưng không vì thế mà công việc GPMB sẽ dễ dàng. Do đó, cần phải có sự quyết tâm chính trị của các địa phương mà dự án đi qua.

"Một dự án mang tầm vóc thế kỷ như DSTĐC Bắc - Nam thì không thể chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Vì thế, cần có sự tuyên truyền để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của dự án, đồng thuận bàn giao mặt bằng, huy động được sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong thực hiện dự án", bà Minh nói.

Ga Ngọc Hồi (Hà Nội) là một trong những ga phải GPMB một số diện tích lớn. Ảnh: Phối cảnh gan Ngọc Hồi

Đối với công tác GPMB, Quốc hội đã thông qua chính sách đặc thù cho phép thực hiện trước bước tái định cư và di dời hạ tầng kĩ thuật. Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép tách công tác GPMB ra khỏi dự án. Các yếu tố này giúp rút ngắn thời gian GPMB.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh

Để triển khai thực hiện Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam đúng tiến độ, đạt chất lượng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã và đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sau quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy các cơ quan Bộ, việc nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án dự kiến sẽ đảm đương các khối lượng công việc tại dự án ĐSTĐC là cần thiết.

“Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GTVT, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án mang tính biểu tượng của kỷ nguyên mới này”, Bộ trưởng Minh khẳng định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh thu hút đầu tư ấn tượng ngay đầu năm mới

Bắc Ninh thu hút đầu tư ấn tượng ngay đầu năm mới

(Thanh tra) - Sáng 2/1 - ngày đi làm đầu tiên của năm mới 2025, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chào năm mới 2025 cho 18 doanh nghiệp với tổng số vốn 1,8 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng về thu hút đầu tư ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2025.

Hải Hà

14:50 02/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm