Chia sẻ về phiên đấu giá 68 lô đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai khẳng định khâu tổ chức hoàn toàn chặt chẽ, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, mức giá trúng cũng khiến ban tổ chức bất ngờ. Bởi theo dự tính trước đó của ban tổ chức giá cao nhất chỉ khoảng 80 triệu đồng/m2. 

Tuy nhiên, mức giá cao có thể do một phần từ hiệu ứng đám đông. Với 1.600 người tham gia đấu giá ngoài người dân trong huyện còn có các nhà đầu tư từ các huyện ven Hà Nội, tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...

"Mặc dù mức giá 100 triệu đồng/m2 không ai nghĩ tới nhưng nếu người trúng nộp đủ tiền thì rõ ràng họ có nhu cầu thật. Nên cũng rất khó để xác định những người trúng đấu giá có mục đích đầu cơ, thổi giá", vị này nhấn mạnh.

Song đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư nào trúng giá đất nộp tiền. Theo cơ chế, người trúng đấu giá phải nộp hết tiền trong 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế. Trong đó, 20 ngày đầu người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền đất, 10 ngày cuối phải nộp đủ số tiền.

Tuy nhiên, theo quy định trong trường hợp người trúng nộp tiền 100% vào 10 ngày cuối sẽ chịu phạt nộp chậm. Do đó, vẫn phải đợi hết 30 ngày mới xác định được đúng tình hình thực tế.

Để ngăn chặn trường hợp lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, vị này cũng cho rằng cần có biện pháp tăng tiền cọc hoặc cấm giao dịch trong thời gian 1-2 năm để ngăn chặn tình trạng "lướt cọc". Ngoài ra, có thể sử dụng đến biện pháp áp thuế những mảnh đất không được đưa vào sử dụng.

Theo tìm hiểu, kế hoạch tổ chức phiên đấu giá 57 lô đất tại xã Cao Dương vào ngày 8/9 tới đây vẫn tiếp tục được triển khai. Hiện huyện vẫn đang mở bán hồ sơ đấu giá. Trong trường hợp có sự thay đổi, huyện Thanh Oai sẽ thông báo công khai tới toàn thể người dân.

Lãnh đạo Công ty Đấu giá Việt Nam - đơn vị tổ chức buổi đấu giá vừa qua tại Thanh Oai cũng cho rằng, những người đấu trúng các lô đất có giá từ 70 triệu đồng/m2 trở lên sẽ rất khó bán lại.

“Qua các thông tin bên lề mà tôi được biết, người trúng đấu giá lô đất 100 triệu đồng/m2 đang sẵn sàng chuyển nhượng nếu có thể bán chênh vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, với giá cao thế này, tìm kiếm khách hàng để chuyển nhượng lại không dễ”, lãnh đạo Công ty Đấu giá Việt Nam bình luận.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty Bất động sản AH Holdings nghi ngờ, các lô có giá 90 - 100 triệu đồng/m2 chỉ là “mồi nhử”. Các đội nhóm sẽ chấp nhận hy sinh tiền cọc từ những thửa đất này để dễ bề bán chênh những lô có giá khoảng 50 triệu đồng/m2.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, một số cá nhân, tổ chức có thể đang cố tình đặt ra mức giá trúng thật cao để đẩy mặt bằng giá thị trường. Trong trường hợp xấu nhất, họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà vẫn không bị tổn thất quá nhiều về mặt tài chính.

“Hiện khoản tiền cọc tương ứng với 20% giá đất khởi điểm. Trong khi đó, mức giá đất mà các cơ quan đặt ra lại tương đối thấp. Với trường hợp 68 lô đất đấu giá tại huyện Thanh Oai, số tiền khởi điểm chỉ từ 8 đến 12 triệu đồng/m2. Các cơ quan cần phải tính toán lại cơ chế giá đất để hạn chế tình trạng bỏ cọc, thao túng thị trường”, ông Điệp đề xuất.

Trước đó, ngày 10/8, UBND huyện Thanh Oai đã tổ chức thành công phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích từ 60-85m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã thu hút được 4.600 hồ sơ nộp tham gia, nhưng chỉ có 4.201 hồ sơ đủ điều kiện.

Ðáng chú ý, kết thúc phiên đấu giá, lô góc có giá trúng cao nhất là gần 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2, gấp 5 đến 6,4 lần so với giá khởi điểm. Mức giá trúng của phiên đấu giá này đã khiến nhiều người choáng váng trong suốt thời gian vừa qua.

 

 

Uyên Uyên