Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu không ổn định, phát triển thiếu bền vững, có thời điểm đã xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng.

Từ tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản. Nhưng, từ tháng 8/2020 đến nay, cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua giải quyết được nhiều vấn đề và tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, các chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh hết các loại hình bất động sản “mới”. Việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, thủ tục xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất dự án… còn nhiều khoảng trống, bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư dẫn đến làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán các sản phẩm bất động sản tăng theo thời gian.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, bền vững, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ trong thời gian tới như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định 99, Nghị định 100, Nghị định 101 nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở tạo nguồn cấp tốt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương phải tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp khinh doanh bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục về “nhà đầu tư, chủ đầu tư”, đấu thầu dự án có sử dụng đất, báo cáo khả thi đánh giá tác động môi trường, xử lý các thửa đất thuộc diện Nhà nước quản lý nằm xen cài rải rác trong dự án đầu tư, cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại...

Đại diện HoREA kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm ban hành “Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại” gồm 4 bước, tháo gỡ vướng mắc về “thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” cho 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được khởi công xây dựng các công trình, đồng thời tiến hành thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án...

Thu Huyền