Doanh nghiệp có 10 lao động, cổ đông rút nửa vốn ra khỏi công ty

 Như Báo Thanh tra đã thông tin, vừa qua, khách hàng đã đầu tư vào Dự án Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Chung cư cao tầng Hesco (đổi tên thương mại thành Dự án Grand Sunlake) nhiều lần gửi đơn thư tới UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo tạm dừng thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và chưa xem xét cấp giấy chứng nhận nhà ở do chủ đầu tư không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Hiện nay chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam (Công ty Thăng Long).

Dữ liệu của Báo Thanh tra cho thấy, trong những năm vừa qua, Công ty Thăng Long đang gặp nhiều khó khăn khi kinh doanh “lỗ chồng lỗ”.

Công ty Thăng Long được thành lập ngày 26/1/2010, hiện có địa chỉ trụ sở chính tại số 135, đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Tại thời điểm tháng 11/2022, doanh nghiệp bất ngờ giảm vốn điều lệ từ 840 tỷ đồng về còn 475 tỷ đồng. Hơn 1 năm sau đó, cơ cấu cổ đông của Công ty Thăng Long được hé lộ, khi ông Nguyễn Văn Đức nắm giữ 32%, ông Trịnh Cần Chính nắm giữ 31%, ông Đồng Quốc Cường sở hữu 10% và Công ty Cổ phần khách sạn và Du lịch Thiên Thai, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Hà Văn Hiếu sở hữu 15% cổ phần còn lại (chia đều mỗi pháp nhân nắm giữ 5%).

Ông Trịnh Cần Chính (sinh năm 1949) được giới thiệu là Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long. Tuy nhiên, theo cập nhật mới đây nhất vào ngày 27/6/2024, ông Bùi Thanh Lâm (sinh năm 1969) đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc thay ông Trịnh Cần Chính. Ông Lê Văn Dũng (sinh năm 1976) giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty.

Tổng số lao động tại công ty được xác nhận là 10 người.

Dành hàng chục tỷ đồng cho tổng giám đốc vay, kinh doanh “lỗ chồng lỗ”

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản Công ty Thăng Long đạt 2.182 tỷ đồng, tăng thêm 524 tỷ đồng sau 12 tháng. Đáng chú ý khi tiền và trữ tiền của doanh nghiệp này khá "xông xênh".

Tính đến cuối năm 2023, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 61,2 tỷ đồng, cao gấp 14,5 lần so với thời điểm đầu năm (4,2 tỷ đồng). Trong đó, tiền mặt tại Công ty Thăng Long khoảng 134 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng hơn 61,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Thăng Long còn dành hơn 52,1 tỷ đồng cho các cá nhân vay dài hạn. Bao gồm: Ông Nguyễn Văn Đức  - cổ đông lớn vay công ty 10,8 tỷ đồng; ông Trịnh Cần Chính - Tổng Giám đốc vay 23,4 tỷ đồng và bà Phạm Thị Thanh Mai vay 17,9 tỷ đồng.

Dù dành hàng chục tỷ đồng cho các cá nhân vay dài hạn, thế nhưng doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Thăng Long trong năm vừa qua chưa đến 92 triệu đồng. Trong khi với số tiền đó, doanh nghiệp đưa gửi ngân hàng sẽ nhận về số tiền lãi cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, Công ty Thăng Long cũng ghi nhận hơn 1.485 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn. Đây là số tiền doanh nghiệp đã đầu tư vào Dự án Grand Sunlake.

Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả Công ty Thăng Long đạt 1.715 tỷ đồng, tăng thêm 524 tỷ đồng sau 12 tháng. Trong đó, nợ vay tài chính còn khoảng 130 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 282 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tính đến cuối năm vừa qua, Công ty Thăng Long cũng ghi nhận gần 507 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, trong khi tại thời điểm đầu năm, danh mục này xấp xỉ 61 tỷ đồng.

Hai năm gần đây (2022 và 2023) doanh thu Công ty Thăng Long chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng, không đủ “khoả lấp” các loại chi phí, do vậy, mỗi năm doanh nghiệp lỗ từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Điều này dẫn đến tại ngày 31/12/2023, Công ty Thăng Long đang gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 8 tỷ đồng.