Công ty có vốn Hàn Quốc

Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia - N.H.O là một trong những tên tuổi đáng chú ý của thị trường bất động sản Việt Nam. Công ty thành lập ngày 6/9/2012. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ nhưng nhiều thông tin cho thấy N.H.O là công ty liên doanh giữa Công ty Cổ phần TAG JSC và Công ty Cổ phần NIBC Investment Co., LTD.

Thời gian đầu, bà Trần Thị Dịu Hòa đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật công ty. Tuy nhiên, hiện tại, người đại diện pháp luật công ty là Tổng Giám đốc Kim Kyoo Chul. Bà Trần Thị Dịu Hòa là Phó Tổng Giám đốc.

N.H.O được giới thiệu là đơn vị phát triển bất động sản từ Hàn Quốc, đã có hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Sau hơn 10 năm hoạt động, N.H.O đã có trong tay 18 dự án tại 8 tỉnh thành lớn trên khắp Việt Nam, cung cấp hơn 30.000 căn hộ chung cư và nhà phố cho cư dân.

Một số dự án của N.H.O có thể kể đến như: Kings Town, The Dragon Castle Hạ Long (Quảng Ninh), Gem Park (Hải Phòng), Nest Home (Đà Nẵng), An Phú Sinh (Quảng Ngãi), Sky9, Imperial Palace (TP. HCM), Diamond City, First Home Binh Hoa (An Giang), City Tower (Bình Dương),…

Một số đơn vị trong hệ sinh thái N.H.O quản lý trực tiếp các dự án có thể kể đến như: Công ty TNHH Tổ chức Nhà Quốc gia Quảng Ninh (N.H.O QN), Công ty TNHH Kinh doanh Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMIC),

12 năm qua, N.H.O không chủ trương phát triển các dự án siêu sang với giá cả đắt đỏ, mà chú trọng vào các dự án thiết kế thực dụng, đa tiện ích cùng với mức giá hợp lý dù ở phân khúc nào. Các dự án của N.H.O vì thế có thể tiếp cận tới nhiều lớp khách hàng với mức thu nhập đa dạng. Chủ trương này khiến các dự án của N.H.O đều được bán tốt, ngay cả trong giai đoạn bất động sản trầm lắng như từ năm 2021 đến nay.

Thua lỗ đến mức âm vốn chủ sở hữu

Trên truyền thông, N.H.O được giới thiệu là bán hàng tốt dù thị trường trầm lắng. Thế nhưng, số liệu doanh thu của N.H.O lại không cho thấy điều đó.

Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của N.H.O chỉ là 3,2 tỷ đồng, giảm 39,5 tỷ đồng, tương đương 92,5% so với năm 2022.

Trong khi doanh thu giảm sốc, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ từ 19,2 tỷ đồng lên 22,6 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ từ 168 tỷ đồng xuống 165 tỷ đồng. Trong năm 2023, N.H.O lỗ sau thuế 110 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 50,8 tỷ đồng của năm 2022.

Kết quả là tại ngày 31/12/2023, dù có vốn điều lệ 400 tỷ đồng nhưng do thua lỗ triền miên, công ty gánh lỗ lũy kế 526 tỷ đồng, từ đó âm vốn chủ sở hữu 126 tỷ đồng.

Vì thua lỗ và âm vốn nên công ty gặp khó về dòng tiền. Hồi cuối năm 2023, lưu chuyển tiền thuần trong năm của công ty là âm 44,1 tỷ đồng, dù cuối năm 2022 dương 37,3 tỷ đồng.

Đầu tư là nguyên nhân chính khiến dòng tiền của N.H.O bị âm. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của công ty này âm đến 282 tỷ đồng. Trong đó, có tới 434 tỷ đồng là tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác.

Khả năng trả nợ yếu

Dòng tiền âm nên không ngạc nhiên khi N.H.O rơi vào tình cảnh khả năng trả nợ yếu.

Hồi cuối năm 2023, tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của N.H.O lần lượt là 1.077 tỷ đồng và 1.910 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của N.H.O là 0,56.

Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Đây không phải lần đầu tiên N.H.O rơi vào tình cảnh này. Trước đó, hồi cuối năm 2022, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của N.H.O cũng nhỏ hơn 1 khi chỉ đạt 0,54.

Thanh Giang