Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững về KT, XH và môi trường

H.Yến

Thứ tư, 01/07/2020 - 21:45

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch tỉnh Đắk Lắk gồm phần lãnh thổ tỉnh với tổng diện tích tự nhiên là 13.030,5 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 73km.

TP Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên

Mục tiêu quy hoạch tỉnh Đắk Lắk là cơ sở để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mục tiêu xây dựng các điều kiện và giải pháp thực hiện các khâu đột phá phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia thông qua các hình thức liên kết phát triển ngành.

Phát triển đô thị hiện đại, có hệ thống thiết chế tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xã hội theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa, không gian cồng chiêng Tây Nguyên trong điều kiện phát triển đô thị hiện đại, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn.

Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý để thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên và tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.

Yêu cầu lập Quy hoạch

Theo đó, nội dung lập Quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm