Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Trên đường gập ghềnh tới tương lai"

Thứ hai, 27/05/2013 - 11:37

(Thanh tra) - Đó là chủ đề Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 sẽ được Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào ngày 27/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Vẫn nhiều thách thức trong tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trần Quý

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từ năm 2009.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Báo cáo 2011 với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” và Báo cáo 2012 với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu” đã vạch ra những vấn đề căn bản gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Tiếp nối những báo cáo năm trước, Báo cáo năm nay, với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai,” phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ và bền vững trong những năm tới nếu không có những cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.


Sản phẩm tồn kho lớn đang làm suy giảm tăng tưởng của doanh nghiệp. Ảnh: Trần Quý

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 bao gồm 7 chương và 2 phụ lục.

Chương 1: “Tổng quan kinh tế thế giới” tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong giai đoạn 2012 - 2013, cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như: Vấn đề tài khóa của Mỹ, đánh giá diễn biến và triển vọng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đường lối kinh tế mới của Nhật Bản, tương lai của nền kinh tế Trung Quốc và ASEAN, đồng thời nhận định những ảnh hưởng có thể của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chương 2 của Báo cáo với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2012” đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2012, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như: Tăng trưởng và lạm phát, cấu trúc kinh tế, các cân vĩ mô đối lớn, chu kỳ kinh tế và đánh giá diễn biến chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua, làm cơ sở để thấu hiểu triển vọng kinh tế trong năm 2013.

Chương 3:  “Đặc điểm của lạm phát ở Việt Nam giai đoạn hậu gia nhập WTO, 2006 - 2013” lần đầu tiên mổ sẻ hiện tượng lạm phát từ những thành tố cấu tạo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cả trên khía cạnh nhóm hàng lẫn không gian địa phương phân theo cấp tỉnh. Nghiên cứu phát hiện những đặc thù của một số thành phần quan trọng quyết định sự dao động của lạm phát tại Việt Nam, liên quan tới đặc thù của một số mặt hàng lương thực, chính sách kiểm soát giá và cấu trúc thị trường.

Chương 4: “Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại từ kinh nghiệm thế giới đến thực tiễn Việt Nam” cung cấp một tập hợp các kinh nghiệm quốc tế đa dạng về xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trong vài chục năm qua trên nhiều vùng lãnh thổ, chế độ kinh tế khác nhau. Đồng thời, nghiên cứu này cũng thảo luận về phương án xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay và gợi ý các chính sách tăng cường hiệu quả của chính sách này. Nếu không thành công trong xử lý nợ xấu, nền kinh tế sẽ phải đối diện với những năm tháng kinh tế trì trệ kéo dài.

Chương 5 với chủ đề “Nguy cơ giải công nghiệp hóa của Việt Nam sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc”  vạch ra nguy cơ “giải công nghiệp hoá” tại Việt Nam trước sức ép của nền sản xuất và thương mại Trung Quốc. Nói cách khác, dưới sức ép nhập khẩu tài nguyên và hàng sơ chế của Trung Quốc trên toàn thế giới, giá cả tăng đối với nhóm hàng này đồng thời đi liền với giá cả hạ đối với hàng chế tác từ Trung Quốc, đã khiến các nước đi sau như Việt Nam thoái lui khỏi các ngành sản xuất chế tác công nghiệp, đồng thời bị cuốn hút vào con đường dựa nhiều hơn vào khai thác tài nguyên cho xuất khẩu.

Chương 6 với nhan đề “Sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kỳ biến động kinh tế và tái cơ cấu”, lần đầu tiên phân tích kỹ lưỡng các khuynh hướng lao động tại Việt Nam từ những bộ điều tra mới, cho thấy khu vực nông thôn đã và đang là một tấm đệm hấp thu lao động thất nghiệp từ thành phố trong giai đoạn suy giảm kinh tế. Đồng thời, Việt Nam đang dần đi qua giai đoạn có lợi thế nhất về lực lượng lao động trẻ và đông đảo (dân số vàng). Hiện tượng này một mặt giảm nhẹ sức ép tạo việc làm trong điều kiện nền kinh tế đang suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng đồng thời cho thấy cơ hội để đạt tới sự tăng trưởng cao nhờ gia tăng nguồn lao động đang qua đi. Việt Nam cần ý thức rõ hơn về sự dịch chuyển cơ cấu về chất lượng trong thị trường lao động.

Chương 7 của Báo cáo về Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2013 và khuyến nghị chính sách đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2013, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2013 như: Tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2012, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý 1/2013.


Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm