Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TPP – Cơ hội & Thách thức

Chủ nhật, 26/05/2013 - 09:27

(Thanh tra) - Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP) được trông chờ sẽ là “cú hích” lớn nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế liên khu vực, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo của các nước thành viên và các nước đang đàm phán gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh của TPP

Trải qua 16 phiên đàm phán chính thức, Hiệp định TPP đang được coi là đàm phán thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến triển vọng hoạt động kinh doanh của các ngành, các DN và đời sống xã hội nói chung. Và vòng đàm phán thứ 17 của TPP sẽ được tổ chức tại Mỹ vào tháng 9 tới, trước thời điểm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 10 tại Indonesia.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, Ngô Chung Khanh cho biết, TPP đang được các nước trong khu vực kỳ vọng là một Hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21 với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu.

Theo các chuyên gia kinh tế, TPP được trông chờ sẽ là “cú hích” lớn nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế liên khu vực, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc gặp gần đây giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và ông Demetrios Marantis, quyền Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam đang đặt ưu tiên và quyết tâm cùng các thành viên thúc đẩy đàm phán TPP, coi đây là một bước triển khai quan trọng chủ trương tiếp tục đổi mới, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước tham gia TPP.

Tham gia vào TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời, TPP giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Ngoài ra, việc tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam.

Được biết, trong TPP có tới 22 nhóm lĩnh vực và những mặt hàng có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Việt Nam tham gia TPP, đó là dệt may, giầy dép, hàng điện tử. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Hiệp định TPP cũng đang đặt các DN Việt Nam trước không ít thách thức. Không chỉ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, với các cam kết sâu và rộng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, Hiệp định này cũng sẽ tạo ra một áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN Việt Nam nhất là trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của DN vẫn chưa cao.

Bên cạnh những thuận lợi, việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, việc điều chỉnh hệ thống pháp luật và phát triển nguồn nhân lực cũng như năng lực thể chế trong thực thi cam kết cũng sẽ gặp không ít trở ngại.

Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Vậy, các DN cần phải chuẩn bị những gì?

Theo ông Ngô Chung Khanh, thứ nhất có thể thấy Hoa Kỳ là đối tác  quan trọng nhất đối với Việt Nam trong TPP, do đó chúng ta cần xây dựng kế hoạch, chủ động tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ, đó là hướng để tận dụng lợi ích từ TPP. Thứ hai là chủ động xây dựng năng lực, vì trong quá trình xây dựng TPP có một ý tưởng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, để trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu này, DN Việt Nam cần phải có những năng lực nhất định. Hơn thế nữa, DN cũng nên chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với đoàn đàm phán để tăng hiệu quả đàm phàn, phản ánh đúng nhất lợi ích của doanh nghiệp.

Hiệp định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10/2010, Malaysia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.

Đây là hiệp định mang tính “mở”. Tuy không phải là chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC nhưng các thành viên APEC đều có thể gia nhập nếu quan tâm. Singapore đã nhiều lần thể hiện mong muốn mở rộng TPP và sử dụng TPP như một công cụ để hiện thực hóa ý tưởng về Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương của APEC (FTAAP).

TPP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ (chưa bao gồm dịch vụ tài chính do được đàm phán sau), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Ngoài ra, còn có một chương về hợp tác và 2 văn kiện đi kèm về Hợp tác môi trường và hợp tác lao động.

TPP hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các hiệp định thế kỷ 21. Phạm vi của hiệp định sẽ bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v…

Nét mới trong đàm phán Hiệp định TPP so với các FTA truyền thống trước đây là sự tham gia của các đối tượng liên quan như DN, hiệp hội, tổ chức xã hội. Tại mỗi phiên đàm phán, các đối tượng trên luôn được tạo cơ hội để trao đổi thông tin cũng như bày tỏ quan điểm và nguyện vọng đối với các nội dung đàm phán của Hiệp định thông qua các buổi hội thảo và diễn đàn dành cho các đối tượng liên quan được tổ chức bên lề các phiên đàm phán.
       
Cao Phi Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm