Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tìm giải pháp phát triển "Cánh đồng mẫu lớn"

Thứ năm, 19/07/2012 - 09:02

(Thanh tra) - Nhằm tổng kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" hoàn thiện và phát triển phong trào, ngày 18/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị "Cánh đồng mẫu lớn" với sự tham gia của nhiều đại biểu là những người trực tiếp thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trong thời gian qua.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” cũng là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trương khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, nhằm không ngừng tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bộ chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác.

Lợi nhuận cao hơn từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha

Tổng diện tích trong 2 vụ Hè Thu 2011 và Đông Xuân 2011 - 2012 các tỉnh phía Nam thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn" đạt hơn 27 nghìn ha.

Những địa phương có diện tích lớn để thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở phía Nam là tỉnh An Giang (với 9.357ha), tỉnh  Đồng Tháp (5.200ha); tỉnh Tây Ninh, Long An, TP Cần Thơ (trên 2.000ha) và các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang (gần 2.000ha).
Với phương châm “Nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn”, mô hình này là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay, nhằm hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm tiến tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo Việt Nam đối với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.

Sau khi phát động phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa tại các tỉnh Nam bộ, chủ trương này đã được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực.

Mô hình xuất phát từ rất nhiều điểm trình diễn tại hầu hết các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long với quy mô diện tích từ vài ha đến vài chục ha, với rất nhiều hình thức và nội dung thực hiện đa dạng, phong phú, các cánh đồng canh tác áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới (3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm; cánh đồng một giống, cánh đồng hiện đại, cánh đồng lúa chất lượng cao…), áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, kể cả đầu tư cơ giới và thủy lợi.

“Cánh đồng mẫu lớn” sẽ được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất, từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ… các hoạt động dịch vụ này sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ở một số địa phương cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha, nguyên nhân do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống xạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh…

Tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu 1 triệu ha

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề cần tiếp tục tổng kết, rút ra những bài học cần thiết để mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới gắn chặt hơn với việc xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" do quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân thấp, manh mún; số hộ nông dân tham gia trong một mô hình lớn, trình độ không đồng đều nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, việc ghi chép nhật ký sản xuất ở nhiều nơi chưa được nông dân thực hiện đầy đủ. Ở một số nơi, cán bộ cơ sở và nông dân chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” nên có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp…

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu đạt đến 1 triệu ha là có thể  tổ chức thực hiện được. Tuy nhiên, cần có các bước đi và thời gian thích hợp để tổ chức triển khai.
   
Theo định hướng, các giai đoạn phát triển mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" gồm 3 bước: Xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, quy hoạch "Cánh đồng mẫu lớn" tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu; vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu sản xuất theo VietGAP, xây dựng thương hiệu lúa gạo.


Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm