Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tìm giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững

Hoàng Nam

Thứ tư, 28/08/2024 - 14:45

(Thanh tra) - Ngày 28/08/2024, tại Hà Nội, Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” (Diễn đàn) đã được Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản...

Toàn cảnh Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” diễn ra vào sáng ngày 28/08/2024. Ảnh: TTM

Phát biểu khai mạc, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, khẳng định, việc tổ chức Diễn đàn là một nỗ lực nhằm phần thúc đẩy phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Thông qua diễn đàn, những ý kiến đóng góp, kiến nghị, tham luận từ đại diện các Bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp để đi đến xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng hiệu quả hơn nữa.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, hiện nay, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản còn có những hạn chế và khó khăn nhất định, như: liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu và giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo (mối liên hệ giữ các nông hộ với tổ hợp tác hay HTX chưa hình thành chuỗi cung ứng và tiêu thụ tập trung; chưa hình thành liên kết để thống nhất về giá cả và chất lượng; có nơi đã hình thành liên kết nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, chưa gắn kết, chia sẻ rủi ro và lợi ích lâu dài…).

Trên thực tế, chưa có nhiều các HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng, tạo ra giá trị khác biệt trên thị trường; một số HTX dù có nỗ lực tổ chức liên kết, phát huy tốt vai trò cầu nối để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên số lượng cũng chưa nhiều.

Tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTM

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là một vấn đề lớn, một chủ đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triền bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do vậy, tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho rằng, cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chưa hợp lý; năng suất và chất lượng của nhiều mặt hàng nông sản còn chưa cao, trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi của thị trường ngày càng khác biệt; hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.

“Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đất đai và nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị suy thoái. Việc sử dụng quá mức và không bền vững tài nguyên đất và nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ và manh mún, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản thấp, chuỗi giá trị thực phẩm nông sản chưa phát triển - ông Viên nhận định.

Ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ các FTA ở khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN…

Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều thách thức lớn, như: giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát - ông Thủy nhận định.

Cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như, hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… ông Thủy đề xuất.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường xuất khẩu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm