Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thương hiệu, chất lượng bánh trung thu quấy vỉa hè

Thứ sáu, 21/09/2012 - 20:14

Khi tiết trời bước chuyển vào thu, báo hiệu ngày Tết Trung thu đang đến gần, khắp phố phường Hà Nội lại xuất hiện những gian hàng bán bánh nướng, bánh dẻo nhan nhản trên các loại vỉa hè đường.

Những gian hàng trưng bày, bán bánh trung thu "mọc lên như nấm" ở vỉa hè Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện có hơn 200 gian hàng như vậy nhưng cơ quan này mới chỉ cấp phép cho hai doanh nghiệp là Kinh Đô, Hữu Nghị với 16 điểm để làm gian trưng bày và bán hàng.

Những gian hàng “mọc lên như nấm” và xem nhẹ vấn đề vệ sinh thực phẩm đã vô tình tạo ra một thế trận hỗn loạn, mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.

“Thế trận” bánh trung thu

Vào vai vị khách cần mua bánh Trung thu, chúng tôi tạt vào một điểm bán bánh nhãn hiệu Long Đình trên đường Lê Văn Lương (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong rất nhiều những gian hàng trưng bày, bán bánh Trung thu này có cả những gian hàng của các công ty sản xuất bánh và các đại lý tư nhân kinh doanh.

Qua cuộc trò chuyện với chủ nhân của gian hàng trên, được biết, để mở được gian hàng vỉa hè trong dịp này thì họ phải “rót” ra một khoản tiền mới ngang nhiên bày bán được.

Sau tiết lộ đầy ẩn ý của chủ gian hàng, chúng tôi đã tìm gặp và có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Giao thông Đô thị (Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội).

Theo ông Huy, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 600 tuyến phố nhưng Sở Giao thông Vận tải chỉ được quản lý 88 tuyến phố, còn lại là do cấp quận, huyện quản lý. Vì thế, ước tính có khoảng 1.000 điểm bán hàng bánh Trung thu tại Hà Nội, mà phần lớn là quận, huyện cấp phép.

“Tính đến ngày 14/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới chỉ cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi trưng bày và bán bánh trung thu cho hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Kinh Đô miền bắc và Công ty CP thực phẩm Hữu Nghị. Còn các doanh nghiệp kinh doanh khác, Sở tuyệt đối không cấp phép,” ông Huy khẳng định.

Cũng theo ông Huy, Sở Giao thông Vận tải mới chỉ cấp cho hai công ty Hữu Nghị và Kinh Đô với tổng số 16 địa điểm. Những điểm trưng bày này đều phải căn cứ và dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông đô thị; có giấy phép kinh doanh; có thương hiệu và truyền thống… Các điểm còn lại hoặc là tự phát, hoặc do các quận, sở tại cấp giấy phép hoạt động.

Cụ thể, Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị được cấp phép 8 điểm hoạt động nằm trên các tuyến đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Liễu Giai, Văn Cao, Cầu Giấy, Giải Phóng. Còn Công ty TNHH MTV Kinh Đô có 8 điểm nằm trên đường Văn Cao, Cầu Giấy. Tây Sơn, Thái Thịnh, Tôn Thất Tùng, Xã Đàn, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến.

Tuy nhiên, qua cuộc thị sát thì còn rất nhiều địa điểm bày bán bánh Trung thu của hai đơn vị này và rất nhiều gian hàng của các hãng bánh khác như Long Đình, Đồng Khánh, Bảo Ngọc... cũng đã mọc lên. Điển hình như tuyến đường Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Thái Hà...

Nhìn từ thực tế trên, nhiều người ngần ngại và đặt câu hỏi: Nguyên cớ nào lại khiến các cơ quan của thành phố Hà Nội cấp phép cho các công ty bán bánh Trung thu ngay trên vỉa hè, trong khi những người bán hoa quả, hàng rong  lại luôn bị các lực lượng chức năng xua đuồi, cấm đoán?.

Chất lượng… vỉa hè

Những ngày này, tại nhiều gian hàng, các nhà sản xuất bánh trung thu cũng đã tung ra nhiều gói khuyến mãi, để quảng bá thương hiệu với những gam màu sặc sỡ, hút khách.

Cùng với nhiều mẫu mã mới, giá bánh trung thu năm nay cũng tăng hơn nhiều so với năm 2011. Dẫn đầu thị trường bánh trung thu về giá thành năm nay là khách sạn Hà Nội với dòng sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ mà điểm nhấn là Vương Kim Tri Ngộ Ballantines 30 có giá tới 11.998.000 đồng/hộp.

Cũng thuộc hàng siêu sang là bánh trung thu Long Đình An Quý, giá gần 4,5 triệu đồng/hộp. Không chịu kém cạnh, khách sạn Hilton Opera cũng vào cuộc với dòng sản phẩm hộp VIP Bạch Kim với rượu Hennessy giá 3,8 triệu đồng, hộp VIP vàng với rượu Johnnie Walker có giá 2,8 triệu đồng...

Giá cả cao ngất ngưởng, nhưng không ít người tiêu dùng tỏ ra lo ngại, liệu những hộp bánh như thế có thực sự ngon và bổ dưỡng hay không? Nhân bánh được quảng cáo làm bằng các loại nguyên liệu quý như nhân sâm, yến sào, trứng cá hồi… có phải hàng “xịn?.”

Bên cạnh giá thành cao, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang là nỗi lo lắng đối với người tiêu dùng. Vậy, ai sẽ đứng ra kiểm tra chất lượng, vệ sinh thực phẩm của bánh trung thu đã và đang tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội?.

Thực tế, từ ngày 10/9, đoàn thanh, kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bánh trung thu tại cơ sở Hoàng Gia (trụ sở ở 189 Hoàng Cầu, quận Đống Đa). Tại đây, đoàn thanh tra phát hiện khu vực sản xuất chỉ chừng 10m2 ngổn ngang bánh, khuôn, bột, nhân bánh, thậm chí nguyên liệu làm bánh còn ngổn ngang dưới nền nhà với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Tiếp đó, vào ngày 13/9, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra chất lượng bánh trung thu tại khách sạn Hà Nội. Qua kiểm tra cho thấy, nhân bánh, vỏ bánh là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đợt kiểm tra thị trường bánh trung thu là hoạt động thường niên của ngành Y tế Hà Nội. Đợt kiểm tra này, Đoàn thanh tra sẽ phối hợp với các phòng y tế các quận huyện để thanh, kiểm tra trên diện rộng việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Cùng với đó, các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đi kèm với bánh trung thu như chè, rượu… cũng sẽ được kiểm đếm, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm chặt chẽ,” ông Cường nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Huy, hiện nay tại các tuyến phố Hà Nội có tới vai trăm gian hàng bày bán bánh trung thu đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới giao thông đô thị, việc đi lại của người dân trên vỉa hè gặp khó khăn; các gian hàng trung thu vô tình tạo ra sự lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. Đặc biết, các gian hàng này không phải là cửa hàng cố định nên không kiểm tra được chất lượng./.

Từ ngày 10/9/2012 Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các đội thanh tra giao thông trên địa bàn và chuyên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý, giải tỏa các trường hợp dựng lều lán, ki ốt lấn chiếm vỉa hè đường để kinh doanh, buôn bán bánh trung thu.

Trong đó tập trung vào 88 tuyến đường do Sở GTVT quản lý, nhằm đồng bộ vỉa hè lòng đường, phục vụ công tác tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông. Thanh tra Sở cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng giải tỏa 71 điểm, lập biên bản vi phạm hành chính 42 trường hợp với số tiền 59,5 triệu đồng.

(Theo Vietnam+) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: “Để” chủ thể OCOP bền vững

Bài 2: “Để” chủ thể OCOP bền vững

(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện, kết quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo nên giá trị thực tế, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, song cũng nhìn nhận rõ những vấn đề bộc lộ bất cập, cần tháo gỡ để chương trình thực sự bề vững.

Nhật Vượng

17:41 12/12/2024
Bài 1: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

Bài 1: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(Thanh tra) - Trong những năm gần đây, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành hướng đi quan trọng nhằm phát huy tiềm năng kinh tế nông thôn tại Nghệ An. Chủ trương này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, mà còn tạo đà cho việc xây dựng thương hiệu địa phương, gia tăng thu nhập cho người dân.

Nhật Vượng

17:32 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm