Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu

Lê Phương

Thứ sáu, 19/05/2023 - 00:16

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 diễn ra chiều ngày 18/5.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: LP

Gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 7%); ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%).

Riêng tháng 4, chỉ số IIP có dấu hiệu cải thiện khi tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước).

Về xuất nhập khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,73%), trong đó xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng 17,18%); nhập khẩu giảm 17,7% (cùng kỳ tăng 16,27%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng năm 2023 xuất siêu 7,55 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 8,5% về lượng và tăng 7,2% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 88% về lượng và tăng 98% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Cụ thể, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).

Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA.

Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua kích thích tiêu dùng; tăng chi tiêu của Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; thực hiện hiệu quả chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: LP

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp như: Bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

“Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thống nhất giá tạm thời với 8 nhà máy điện gió

Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề nóng liên quan đến ngành điện, đảm bảo cung ứng điện và giải quyết vướng mắc cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã được đưa ra trao đổi.

Về tình hình thiếu điện và thực tế cắt điện luân phiên tại một số địa bàn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết, hệ thống có nhiều nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều hồ thủy điện thiếu nước, về mực nước chết gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện. Do vậy, trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hằng năm, luôn phải đối mặt khó khăn về đảm bảo cung ứng điện.

Trước tình trạng trên, ông Hòa khẳng định Bộ Công thương có nhiều giải pháp để ứng phó như có nhiều văn bản chỉ đạo cung ứng nhiên liệu than, khí để phát điện. Ngay trong tháng 5, bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện.

Về huy động nguồn điện của các nguồn năng lượng tái tạo, theo ông Hòa, đến nay Bộ Công thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư thống nhất.

Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. “Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới”, ông Hòa cho biết.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 3%, đây là mức tăng thấp nhất trong quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Căn cứ điều chỉnh mức giá này, các đơn vị đã tính toán nhiều yếu tố tác động để không ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế vĩ mô và đời sống kinh tế, xã hội. “Chúng tôi sẽ tuân thủ theo đúng quy định của quyết định 24 để điều chỉnh mức giá cho phù hợp”, ông Hòa chia sẻ.

Thông tin về việc đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch điện 8, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cũng cho biết việc Chính phủ ban hành quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện nguồn và lưới điện trong thời gian tới.

Với các dự án cụ thể, theo quy định của Luật Quy hoạch thì danh mục dự án quan trọng và ưu tiên của ngành Điện sẽ được quy định trong Luật Quy hoạch. Còn với nguồn năng lượng tái tạo, do quy mô nhỏ nên không được quy định trong Quy hoạch điện 8, mà được xây dựng trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở các bước tiếp theo. Do đó, sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn năng lượng tái tạo, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp… nhằm hoàn thiện đầy đủ cơ sở chính sách triển khai thực hiện quy hoạch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm