Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sử dụng năng lượng tiết kiệm - giải pháp nào hiệu quả?

Lê Phương

Thứ hai, 26/04/2021 - 16:19

(Thanh tra) - Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp tại địa phương vì đây là yếu tố mang tính quyết định.

Ảnh minh họa

Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức triển khai từ năm 2006 - 2015 chia làm hai giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 đã đưa lại mức tiết kiệm năng lượng tương đương hơn 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Riêng giai đoạn 2011- 2015 tỷ lệ tiết kiệm là 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn là 11,2 triệu TOE.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được ban hành từ năm 2010, một hệ thống các văn bản bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành để hướng dẫn thực thi Luật đã được xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tương đối đồng bộ trong giai đoạn vừa qua thể hiện sự quan tâm và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chính vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung, coi đó là một thành tố chủ chốt trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ, ngành Năng lượng Việt Nam đã có những bước chuyển đổi tích cực, năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước.

Mục tiêu đặt ra là phải tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi. Và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thói quen của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Nhiều năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể từ tư vấn xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ đến đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và đã đạt được những kết quả nhất định.

Giai đoạn 2006 - 2015, Việt Nam tiết kiệm khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện.

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam tại khối các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ…) luyện kim (sản xuất gang, thép…), giấy và bột giấy… Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.

Theo TS Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của chính quyền các cấp ở địa phương (UBND các cấp) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định.

Tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền…

Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được nêu ra và được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai thực hiện. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc triển khai, cụ thể hoá của các địa phương phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế của từng địa phương.

Cũng theo TS Phương Hoàng Kim, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư...

Về mặt khoa học, chúng ta có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm 8 - 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.

Để đạt được mục tiêu này, TS Phương Hoàng Kim cho rằng một trong những giải pháp chiến lược quan trọng cần triển khai chính là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng.

Thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng, ít phát thải khí nhà kính.

Cần thực hiện song song nhiều giải pháp như cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau…

Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội/cộng đồng, nội quy, quy định về hành vi sử dụng điện/năng lượng trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Tổ chức công bố rộng rãi định kỳ kết quả thực hiện tiết kiệm điện/năng lượng của các tổ chức, đơn vị trực thuộc. Đồng thời xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm điện/năng lượng đến hộ gia đình, phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện tại khu dân cư.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm