Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế miền núi chuyển biến, phát triển theo hướng bền vững

Hoàng Yến

Thứ ba, 12/10/2021 - 11:09

(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh tại báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào tộc miền núi giai đoạn 2016 - 2020 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên ký ngày 8/9/2021.

Bảo tàng Ninh Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: Ninh Hà/https://www.ninhthuan.gov.vn

Khu vực miền núi được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế xã hội (KTXH) khu vực miền núi giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03/10/2016 về việc ban hành Đề án Phát triển KTXH miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 3270/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Phát triển KTXH miền núi, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Ninh Thuận.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, đề án, quyết định của Trung ương để thực hiện vùng đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh; tập trung huy động các nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình 30a, Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; vốn trái phiếu Chính phủ; nguồn vốn ngân sách địa phương… để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và  miền núi của tỉnh.

Kết quả đã huy động hơn 3.045 tỷ đồng (bình quân 609 tỷ đồng/năm) đầu tư cho 476 hạng mục công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH vùng miền núi. Từ đó, góp phần giải quyết những khó khăn trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; thúc đẩy KTXH phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Đến nay, vùng miền núi được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cấp điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đời sống nhân dân được cải thiện

Ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đạt kết quả. Công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được triển khai quyết liệt, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thủy lợi.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng lợi thế từng địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả. Mô hình thâm canh, tăng vụ, luân canh, tưới nước tiết kiệm; liên kết hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao; chất lượng được cải thiện; kết hợp chăn nuôi trang trại, hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ và chăn nuôi dưới tán rừng, từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi quản canh sang chăn nuôi trang trại tập trung và liên kết các doanh nghiệp để đầu tư và thu mua sản phẩm, đã khuyến khích các hộ nông dân, cơ sở sản xuất mở rộng đầu tư, tăng quy mô đàn gia súc.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng. Quan tâm công tác trồng rừng, khoán quản, bảo vệ rừng thông qua các nguồn vốn từ các chương trình: Chương trình 30a, phát triển bền vững, Dự án Jica II, dịch vụ môi trường, kết quả nâng độ che phủ rừng đạt 75%; bước đầu khuyến khích và phát huy hiệu quả một số mô hình sinh kế chăn nuôi, sản xuất dưới tán rừng tự nhiên.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất; bước đầu hình thành 165 tổ hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,21triệu đồng/người/năm; có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,33%); kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, kinh tế vườn được duy trì ổn định và hình thành 21 hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc thù của tỉnh. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư khá đồng bộ.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực

Tiềm năng, lợi thế mới về năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến được khai thác có hiệu quả; đến tháng 10/2019 có 31 dự án điện mặt trời, 13 dự án điện gió và 03 dự án thủy điện được cấp quyết định chủ trương đầu tư; một số nhà máy chế biến đi vào hoạt động đã có tác động tích cực đến khai thác, thu mua nguyên liệu, giải quyết việc làm và đóng góp ngân sách Nhà nước.

Hạ tầng cụm công nghiệp Quảng Sơn (Ninh Sơn) được thành lập năm 2016 và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chi tiết, trình Trung ương phê duyệt cấp kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; xúc tiến kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Phước Tiến (Bác Ái).

Công tác tuyên truyền người dân định canh, định cư để xây dựng các chương trình, dự án được thực hiện tốt; thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi định canh, định cư để ổn định cuộc sống

Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì ổn định, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình Khuyến công quốc gia hỗ trợ 03 doanh nghiệp tại 02 xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) và xã Phước Ninh (Thuận Nam) để thực hiện 03 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gạch lát nền, bánh nếp chiên, mô hình trình diễn kỹ thuật với kinh phí 650 triệu đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và tổ chức tập huấn chính sách khuyến công cho 50 học viên là chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Việc hỗ trợ để phát triển nghề thủ công truyền thống được quan tâm đầu tư tại thôn Tập Lá, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) và thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Thương mại du lịch phát triển khởi sắc. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; từ năm 2016 - 2019, Sở Công thương đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 04 hội chợ cấp huyện, 07 phiên chợ về miền núi. Thành lập điểm kinh doanh heo đen sạch tại chợ Lợi Hải, huyện Thuận Bắc; có 31 cửa hàng xăng dầu phục vụ nhân dân; xây dựng 01 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm đặc thù của tỉnh tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; bình quân hàng năm tổ chức khoảng 28 chuyến hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Hoạt động kinh doanh, du lịch bước đầu thu hút chú ý của các nhà đầu tư

Nhiều địa phương đã giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Raglai để phát triển du lịch sinh thái, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương, như du lịch thác Chapơr; Bẫy đá Pi Năng Tắc, vườn Quốc gia Phước Bình, vườn Quốc gia Núi Chúa; tái hiện một số lễ hội truyền thống dân tộc Raglai (lễ Bỏ mã, lễ Ăn đầu lúa mới…), góp phần thu hút khách du lịch. Hiện nay, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà Rông tại thôn Cầu Gãy, đưa nhạc cụ Mã la và nghề truyền thống dân tộc Raglai vào hoạt động để phục vụ loại hình du lịch Homestay trên địa bàn miền núi.

Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc và miền núi được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và giải ngân đúng kế hoạch; thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020, kinh phí Trung ương phân bổ 87.176 triệu đồng, trong đó 85.835 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 1.341 triệu đồng vốn hỗ trợ trực tiếp. Kết quả nguồn vốn vay thực hiện cho 1.923 hộ. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 93,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có gần 71% là nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế.

Về môi trường sinh thái các địa phương triển khai xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện việc ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển, sắp xếp chuồng trại hợp lý, không nuôi heo thả rong; xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại vùng DTTS và miền núi; đến nay, tỷ lệ số xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải đạt 83,6% (trong đó có xã vùng DTTS và miền núi), tỷ lệ khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh đạt 80%; các nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và việc mai táng được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm