Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắm Tết bình ổn

Thứ bảy, 10/12/2011 - 18:45

(Thanh tra) - Thực hiện Chỉ thị 2050/CT-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, và địa phương tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, hiện tại nhiều ngành, địa phương đang tích cực đẩy nhanh chương trình bình ổn Tết, nhằm đảm bảo cho người dân đón Tết sum vầy và tiết kiệm…

Đảm bảo hàng hoá

Các chuyên gia thị trường cho rằng, để bình ổn thị trường Tết, quan trọng nhất là phải kiềm chế được giá lương thực, thực phẩm, nhất là nguồn thịt lợn và rau củ trước và sau Tết, vì hai mặt hàng này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. 

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, năm nay, cả nước sẽ đạt trên 41 triệu tấn lúa, đáp ứng xuất khẩu 7,1 triệu tấn và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì thế, nguồn lúa gạo không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, giá lương thực có xu hướng nhích lên vì xuất khẩu thuận lợi hơn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 11 tổng đàn lợn trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10, nên nguồn cung thịt dịp Tết không đáng lo. Trong khi đó, lượng gia cầm tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so với tháng trước do người nuôi đã có lãi. Bên cạnh đó, nguồn thịt trâu, bò cũng đảm bảo đủ cho nhu cầu Tết.

Các mặt hàng rau, củ, quả, theo dự báo của Bộ Công thương, thời tiết nắng ấm rất thuận lợi cho rau xanh phát triển. Nhiều loại đang vào vụ chính, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau, củ, quả giảm nhẹ tại các tỉnh miền Bắc và ổn định tại các tỉnh phía Nam. Hiện nay, diện tích rau gieo trồng có tăng nhưng rau ngắn ngày giảm sản lượng vì vừa qua thời tiết mưa nhiều làm rau dập nát, sắp tới, nếu thời tiết tốt, nguồn cung rau ngắn ngày sẽ được cải thiện.

Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới để cung ứng hàng hóa tết đến với công nhân lao động thông qua các cửa hàng Co.op Food, Saigon Co.op còn triển khai 2 chương trình “Chuyến xe thanh niên” và “Tiếp sức thanh niên công nhân khu lưu trú văn hóa” để hỗ trợ công nhân lao động nghèo đón Tết Nhâm Thìn với tổng kinh phí 300 triệu đồng.
Các cửa hàng Co.op Food tham gia bán hàng bình ổn giá với các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cuối năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012 như: Gạo, dầu ăn, đường, thịt gia súc, rau củ quả… với mức giá thấp hơn thị trường ít nhất là 10%.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa, dự kiến nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nhâm Thìn sẽ tăng 20 - 22% so cùng kỳ. Để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) chuẩn bị nguồn hàng Tết, Bộ Tài chính đã có chỉ thị cho các địa phương tháo gỡ khó khăn về thuế, thủ tục hải quan, kho bạc… để DN có điều kiện sản xuất hàng hóa nhằm tăng nguồn cung trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, chi tiêu ngân sách.

Giá cả bình ổn

Được biết, cả nước có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có 20 DN tham gia chương trình bình ổn giá. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, tổng nguồn vốn chuẩn bị hàng Tết là 5.566,3 tỷ đồng. Trong đó nguồn hàng bình ổn giá là 2.830,7 tỷ đồng (tăng hơn 5 lần so với nguồn vốn bình ổn TP giao). Đến thời điểm này, lượng thịt gia cầm chuẩn bị chiếm 85% thị trường, gia súc chiếm 32%, trứng gia cầm chiếm 65%, đường 48%, dầu ăn 43%... vượt con số 30% - 40% nhu cầu thị trường.

Hiện đã có gần 3.000 điểm bán hàng và phấn đấu vào phiên chợ Tết sẽ phát triển thêm 100 điểm bán. Đặc biệt năm nay mạng lưới phân phối hàng bình ổn sẽ rộng khắp, phục vụ tốt hơn người dân ở các vùng sâu, vùng xa, các quận huyện ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Các DN tham gia chương trình bình ổn giá đã chủ động khai thác, dự trữ nguồn hàng phong phú để cung ứng cho thị trường dịp Tết. Saigon Co.op có lượng hàng dự trữ khoảng 20.000 tấn, tăng hơn 3 đến 5 lần so với sản lượng được giao; Công ty Vissan dự kiến sẽ chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết trên 4.000 tấn thịt/tháng; Tổng Công ty thương mại Sài Gòn chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vào khoảng 29.520 tấn, với tổng giá trị hàng hóa 1.397 tỷ đồng; Công ty TNHH Ba Huân cam kết vào dịp Tết sẽ cung ứng từ 2 đến 3 triệu quả trứng /ngày…

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Đồng cho hay, nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô dịp Tết Nguyên đán 2012 sẽ tăng từ 20 - 22% so bình thường. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong tháng Tết ước đạt khoảng 24.000 tỷ đồng.

Hà Nội đã chi 475 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá với lãi suất 0% để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu như gạo trắng, thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng… DN được hỗ trợ lãi suất vốn vay phải đáp ứng 15% lượng hàng bình ổn giá. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường các đơn vị đều đã có kế hoạch dự trữ các nhóm hàng tiêu dùng khác như bánh, mứt, kẹo, rượu bia...

Sở Công thương Hà Nội cũng đã ký với 7 tỉnh tại đồng bằng Bắc bộ để đưa hàng nông sản, thực phẩm… về Hà Nội trong dịp Tết.

Năm nay, Hà Nội mở rộng các điểm bán hàng bình ổn với 653 điểm nội ngoài thành. Ngoài ra, cũng hỗ trợ 4 tỷ đồng để tổ chức trung tâm bán hàng Tết, mở 100 điểm bán hàng khuyến mại từ nay đến hết Tết.

Mặc dù nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào, song ông Đồng cho  hay, khi sức mua tăng giá cả của nhiều mặt hàng vẫn bị đội lên và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội trong tháng Tết có thể tăng ở mức dưới 1%.

Về công tác quản lý thị trường, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời  khẳng định, nếu có biến động về giá, các mặt hàng trong nhóm bình ổn sẽ có giá bán thấp hơn ít nhất 10% so với những mặt hàng cùng chủng loại ngoài thị trường.


Vy Bảo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm