Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy vai trò Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế

Thứ bảy, 15/01/2011 - 15:02

Những năm qua đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội...

Đội ngũ doanh nhân bao gồm những người lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh khác. Trong những năm qua, đội ngũ này đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước đã có gần 5 triệu doanh nhân hoạt động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Doanh nhân Việt Nam xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội, chủ yếu từ công nhân, nông dân và trí thức, phần lớn trưởng thành trong chế độ mới, nhiều người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người lãnh đạo, tổ chức quản lý doanh nghiệp. Riêng khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. Nếu tính cả khu vực của hộ kinh doanh thì mức đóng góp của các doanh nhân cho nền kinh tế còn cao hơn nhiều.

Tuy vậy cũng phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế là: số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé, kém xa so với khu vực và thế giới, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Đội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động. 

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cần xác định đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới.

Để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, theo chúng tôi, cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp sau :

Một là, thống nhất nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khuyến khích tinh thần kinh doanh trong xã hội, tôn vinh doanh nhân,  khẳng định sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân. Xác định đúng quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nhân đối với công cuộc phát triển đất nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy ý chí kinh doanh. Công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Xây dựng pháp luật cho việc tạo lập đồng bộ các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học - công nghệ. Hoàn thiện pháp luật về tài chính công, cải cách pháp luật thuế. Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên môi trường, bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu lực xét xử của tòa án, khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.

Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân.

Ba là, xây dựng hệ thống biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn.

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm hỗ trợ khu vực hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và đăng ký đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa, thúc đẩy hình thành và phát triển một số doanh nghiệp lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thâm nhập thị trường thế giới thông qua các chuỗi sản xuất và cung ứng.

Triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nhân xúc tiến thương mại, đầu tư, nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm dịch vụ. Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ và thị trường của doanh nhân.

Bốn là, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh.

Triển khai rộng khắp chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, bảo đảm các doanh nhân được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo nâng cao và cập nhật kiến thức cho doanh nhân. 

Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng trong giáo dục công dân và đào tạo doanh nhân.

Năm là, đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng những chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới các phẩm chất quan trọng: có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, có khát vọng kinh doanh, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng và xã hội, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Doanh nhân thân thiện với môi trường, thân ái với cộng đồng, thân thuộc với người lao động.

Sáu là, phát huy vai trò của hệ thống tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Tiếp tục xây dựng và củng cố Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ doanh nhân. Mở rộng và liên kết hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước, triển khai đồng thời hai nhiệm vụ đại diện cho các doanh nghiệp và giới sử dụng lao động, xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động thuận hòa; tăng cường quan hệ đối thoại, hợp tác giữa các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Đảng bằng các chương trình hành động cụ thể.

Triển khai công tác phát triển Đảng, phấn đấu có tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân theo đúng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu việc bồi dưỡng và kết nạp những doanh nhân ưu tú thuộc mọi thành phần kinh tế, đủ tiêu chuẩn vào Đảng, trước mắt có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Hi vọng với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ trên, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân  Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, xứng đáng với vai trò là người lính trong  thời bình.

(ĐCSVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm