Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 25/02/2011 - 21:31
(Thanh tra)- Cùng với đề án xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, nhiều chợ ở Hà Nội (cả trong TP lẫn nông thôn) đã, đang và sẽ được cải tạo, nâng cấp, xây mới… Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều chợ được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại nhưng khi đưa vào sử dụng lại ít hiệu quả, thậm chí còn bỏ không… gây lãng phí lớn.
Được xây dựng khá hiện đại, nhưng chợ Ngọc Thụy đang được sử dụng ít hiệu quả gây lãng phí lớn.
Ít hiệu quả
Dừng xe, vào cổng chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi nhận được câu hỏi từ nhân viên giữ xe: “Vào chợ để xem bói ạ?”. Người này cho biết thêm, đã một thời gian khá dài chợ Thượng Đình chỉ lèo tèo vài chục hộ tiểu thương kinh doanh, khách đến cũng chỉ lác đác và phần đông đến để xem bói của một người có tiếng ngay trong chợ.
Dạo một vòng xung quanh chợ điều chúng tôi ngạc nhiên là chợ được xây dựng khá khang trang, bên ngoài nhiều biển quảng cáo lớn, lại tọa lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Trãi đông đúc, tuy nhiên toàn bộ tầng 2 lại gần như không có hộ nào kinh doanh, hàng chục ki ốt bỏ không, khóa trái, bám đầy bụi. Phía dưới tầng 1 chỉ lác đác trên chục hộ tiểu thương kinh doanh, nhưng tình trạng cũng rất ế ẩm. Thậm chí, Ban Quản lý (BQL) chợ gần như không hoạt động khi chỉ có một nhân viên, nhưng khi được hỏi thì không biết nói gì.
Tại chợ Quảng An (Tây Hồ), toàn bộ ki ốt được xây dựng khá chắc chắn dành cho hoạt động buôn bán xe máy cũ, thì nay cũng gần như bỏ hoang và dành chỗ cho một vài cơ sở kinh doanh thuê để ôtô. Phía cổng chính của chợ, tấm biển chợ Quảng An đã được che bằng biển quảng cáo doanh nghiệp ô tô Thái Hoàng! Không biết để làm gì hơn, BQL chợ dựng lên biển trông giữ xe...
Ở quận Long Biên, chợ Ngọc Thụy được xây dựng rất kiên cố, hiện đại với quy mô 5 tầng, có thang máy và được quy hoạch là chợ trung tâm của phường Ngọc Thụy, song cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự khi không mấy tiểu thương vào chợ. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng BQL chợ Ngọc Thụy cho biết, sau khi đưa vào sử dụng, trong năm 2009 và 2010 chỉ tính riêng tầng 2, tầng 3 đã có khoảng trên dưới 100 ki ốt được tiểu thương đăng kí kinh doanh. Thế nhưng, đến giờ các hộ còn đang chờ đợi nhau chưa vào. Còn, tầng 4 và tầng 5 đã có phương án kinh doanh là làm chỗ vui chơi và siêu thị (vẫn bỏ không - PV). Hiện, chỉ có tầng 1 là có một số hộ kinh doanh hàng ăn uống, quần áo… Theo ông Cường, nguyên nhân chợ Ngọc Thụy rơi vào cảnh sử dụng ít hiệu quả là do các hộ kinh doanh, buôn bán nơi đây còn chưa quen với chợ hiện đại, người dân lại vẫn có thói quen mua ở chợ cóc, chợ tạm gần nhà. Thêm vào đó, các hộ tiểu thương cũng chờ nhau, sợ vào kinh doanh tốn thêm các chi phí, thuế… không còn lãi. Một điều nữa là giao thông đi lại chưa thuận tiện lắm nên người dân cũng chưa vào chợ nhiều.
Đại diện Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Khai thác chợ Long Biên cho biết, không những chợ Ngọc Thụy mà chợ Thạch Bàn (cũng do đơn vị này đầu tư, xây dựng) hiện đang rơi vào tình thế tương tự khi chỉ khai thác được 20 - 30% “công suất”. Chỉ có chợ Việt Hưng do ở trung tâm quận, giao thông đi lại cũng thuận tiện nên tình hình có khả quan hơn.
Khảo sát thêm, không khó để nhận thấy hàng tá chợ trên địa bàn TP Hà Nội (cả trung tâm lẫn ngoại thành) đang sử dụng kém hiệu quả như: Chợ Văn Quán, chợ Bồ Đề, chợ Minh Khai, chợ Trung Văn. Thậm chí, một số chợ mới xây mang dáng dấp của trung tâm thương mại như: Chợ Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da cũng không mấy tiểu thương vào buôn bán…
Cần tính toán kĩ trước khi xây chợ
Giai đoạn từ 2010 - 2020 Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp khoảng 175 chợ đã có và xây mới 69 chợ với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Có điều, bài học nhãn tiền về sử dụng ít hiệu quả hoặc bỏ hoang chợ như hiện nay gây nhiều lãng phí cần được các ban ngành chức năng tính toán kĩ trước khi thực hiện.
Theo ông Cường, thực tế từ chợ Ngọc Thụy cho thấy, Nhà nước nên tính toán miễn giảm thuế, chi phí khác theo từng năm để khuyến khích tiểu thương vào kinh doanh tại các chợ mới. Nhiều người dân cho rằng, khi quy hoạch các ngành chức năng cần tính toán kĩ việc xây dựng chợ để làm sao giao thông đi lại thuận tiện, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân tại khu vực.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thì nhấn mạnh, để sử dụng hiệu quả chợ Hà Nội cần lưu ý đến việc thiết kế chợ hợp lý, đáp ứng việc mua bán thuận tiện của người dân; tăng cường xóa dần các chợ cóc, chợ tạm, đồng thời phải có cơ chế, chính sách thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây mới chợ, cũng như giảm các chi phí để bảo đảm tiểu thương kinh doanh buôn bán tốt… như thế mới duy trì văn minh mua bán khi vào chợ của cả người tiêu dùng và người buôn bán.
Hữu Oanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình