Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người chăn nuôi khó cầm cự

Thứ tư, 23/02/2011 - 15:30

(Thanh tra)- Nhiều tháng nay, người chăn nuôi không chỉ gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá cả mà còn chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng “chóng mặt” với cường độ 3 – 4 lần trong tháng.

Áp lực chi phí đầu vào
   
Theo Hiệp hội TĂCN, giá TĂCN trong vòng hơn 1 năm qua tăng phi mã. Cụ thể, năm 2010 giá TĂCN các loại đã tăng tới 15 lần ( từ 30 - 50%), đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm (tháng 11/2010, tăng 4 lần, khoảng 700 đồng/kg, tháng 12/2010 tăng 3 lần, khoảng 800 đồng/kg) đã làm cho người chăn nuôi điêu đứng. Sang năm nay, chưa đầy 2 tháng, giá TĂCN trên thị trường tiếp tục tăng, hiện thức ăn cho heo đã lên trên 10.000 đồng/kg, thức ăn thủy sản dành cho cá tra gần 10.000 đồng/kg… Nguyên nhân, giá TĂCN tăng cao do nguyên liệu đầu vào như: Cám gạo, bột mì, bột cá… tăng liên tục. Tới đây, khi Nhà nước tăng giá điện, giá xăng dầu… giá TĂCN còn tăng nhiều hơn nữa. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại cho ngành sản xuất TĂCN và nông dân.
   
Nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ nông dân cho biết, với tốc độ tăng giá thức ăn như hiện nay, cộng với sự gia tăng của các yếu tố đầu vào khác như: Con giống, hóa chất, nhân công, tỷ lệ hao hụt cao, lãi suất ngân hàng…thì người chăn nuôi may lắm là hòa vốn còn không lỗ nặng.

Hiện, giá thành nuôi cá tra của nông dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã lên đến 19.500 - 20.000 đồng/kg, người nuôi rất dễ lâm vào tình trạng phá sản khi giá cá giảm. Tương tự, người nuôi cá ao bè ở cũng đang gặp không ít khó khăn, bởi thức ăn cho cá rô phi đỏ là 13.000 đồng/kg, trong khi giá cá chỉ 24.000 đồng/kg, giảm gần 6.000 đồng so với 3 tháng trước. Hoặc, chi phí nuôi cá điêu hồng khoảng 23.500 - 24.000 đồng/kg, trong khi giá cá chỉ 24.000 đồng/kg do đó cầm chắc từ hòa đến lỗ vốn…

Với người nuôi gia súc, gia cầm lao đao cũng không kém do chi phí đầu vào tăng liên tục, trong khi giá sản phẩm không ổn định rất dễ bị thua lỗ, cộng với rủi ro dịch bệnh. Hiện, giá thức ăn Ocialis (Pháp) dành cho heo nái có giá 8.700 đồng/kg; heo con có giá 12.500 đồng/kg và trung bình mỗi kg thức ăn tăng lên 4.000 đồng. Trong khi hiện nay, thương lái mua heo hơi với giá 3,4  - 3,6 triệu đồng/tạ, tăng 500.000 - 700.000 đồng/tạ so với đầu tháng 1, nhưng nếu tới đây giá thức ăn tăng tiếp, giá thu mua không tăng sẽ khó có lãi, thậm chí cầm chắc lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi đang chờ đợi giá TĂCN ổn định mới dám đầu tư nuôi tiếp.
 
Cơ quan quản lý “bó tay”
  
Mặc dù từ năm 2009 Chính phủ đã có Quyết định số 116/2009/QĐ-TTg đưa mặt hàng TACN vào diện bình ổn giá, nhằm bảo hộ quyền lợi của người chăn nuôi, nhưng trên thực tế cơ quan quản lý “bó tay”.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam thừa nhận, các Cty sản xuất TĂCN buộc phải tăng giá bán lẻ vì giá nguyên liệu đã tăng 30 - 50% so với đầu năm 2010. Còn, các đại lý TĂCN cho rằng, các Cty lớn như: UP, CP, Cargill… đã tận dụng lợi thế của mình về hệ thống phân phối, vốn, kho chứa để có thể tự  điều chỉnh giá thị trường khi cần thiết.
     
Song, nguyên nhân chính của việc khó kiềm chế tăng giá TĂCN là do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đáng kể và chất lượng chưa bảo đảm được yêu cầu. Hiện, các DN sản xuất TĂCN phải nhập khẩu khoảng 75% nguyên liệu sản xuất. Cá biệt đối với mặt hàng như thức ăn tôm, có DN phải nhập khẩu đến 90%. Tính ra 1 năm nhập khẩu nguyên liệu tới 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ giá giữa USD và VND tăng trong vòng hơn 1 năm qua tới 15% (trong đó đợt tăng tỷ giá vừa đây lên tới 9,3%) đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, nên giá bán TĂCN thành phẩm phải tăng theo. Do đó, chính sách bình ổn giá khó mà phát huy hiệu quả.

Đến nay, mới chỉ có 10 DN sản xuất TĂCN Việt Nam nằm trong danh sách những DN có nhiệm vụ bình ổn giá. Khi những DN này muốn tăng giá các mặt hàng TĂCN, họ phải có văn bản giải trình với cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả nước hiện có hàng trăm DN sản xuất TĂCN lớn nhỏ, nếu chỉ có 10 DN chịu trách nhiệm bình ổn giá sẽ không bảo đảm công bằng và không thể giải quyết vấn đề được triệt để. Trên thực tế, mặc dù theo quy định hiện hành các DN nằm trong danh sách bình ổn giá được tăng giá mỗi lần không quá 4% giá trị sản phẩm, nhưng do giá nguyên liệu tăng quá cao bắt buộc các DN phải tăng giá TĂCN cao hơn nhiều mức quy định, để hoạt động sản xuất TĂCN không phải phá sản.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
    
Theo các chuyên gia chăn nuôi, chính sách bình ổn giá TĂCN cần phải xem xét kỹ mức độ tác động nhiều hay ít vào các nhóm kinh tế như: Nông dân, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng. Nếu thuế nhập khẩu giảm từ 5 - 10% như hiện nay xuống 0% thì các nhà nhập khẩu hưởng lợi mà thường là những DN thương mại dịch vụ. Khi bán nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất họ vẫn thu 5% thuế VAT và cứ mỗi lần TĂCN bán cho một nhóm khác, người mua cũng phải chịu thuế, như vậy lợi ích cũng không đến được tay nông dân. Vì vậy, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phải bảo đảm hài hòa các nhóm lợi ích, trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến người nông dân bằng cơ chế hỗ trợ trực tiếp, loại bỏ các “cầu” trung gian.
   
Rõ ràng, người chăn nuôi đang gặp khó khăn, nhiều nông dân có nguy cơ phá sản cần được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, lãi suất ưu đãi để duy trì và phát triển chăn nuôi. Qua đó, để nông dân có điều kiện đầu tư tăng cường hệ thống kho bãi, phơi sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng nông sản, cung cấp nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho sản xuất TĂCN, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài. Để tiến tới chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, Nhà nước khẩn trương quy hoạch lại vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển nhà máy sản xuất TĂCN gắn liền với vùng nguyên liệu. Có như vậy, chính sách bình ổn giá TĂCN mới thực sự phát huy được tác dụng, hiệu quả, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Hà Yên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm