Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nam Định: Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP tăng cao nhất từ trước đến nay

Vy Anh

Chủ nhật, 24/12/2023 - 20:43

(Thanh tra) - Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Một góc TP Nam Định. Ảnh: https://baochinhphu.vn/

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại, tác động mạnh đến tình hình trong nước; các đơn hàng xuất nhập khẩu đặc biệt là ngành Dệt may, da giày suy giảm, giá nguyên vật liệu ở mức cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các kế hoạch và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh Nam Định cho biết, năm 2023, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Trong đó, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức tăng chung của cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 14,3%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%. Thu ngân sách Nhà nước ước tăng 25% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 17%. Dư nợ tín dụng ước tăng 11% so với đầu năm.

Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm trọng điểm và đạt được những tín hiệu rất tích cực, nhiều nhà đầu tưlớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Nam Định, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến ngày 28/11/2023, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 49 dự án (bao gồm 31 dự án đầu tư trong nước và 18 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.345 tỷ đồng và 326 triệu USD. Trong đó, UBND tỉnh đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine với tổng mức đầu tư 42 triệu USD; Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore) với tổng mức đầu tư gần 84,5 triệu USD; ký kết thoả thuận với Tập đoàn Sunrise Material phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng.

Tĩnh cũng đã chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án sản xuất găng tay y tế của Công ty TNHH Y tế Bình An tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD. Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư tại Khu công nghiệp Hải Long. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án đối với Tập đoàn AEON… Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án, như các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng.

Về đăng ký doanh nghiệp, đến ngày 28/11/2023, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.150 doanh nghiệp và 75 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 11.291 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 12.406 doanh nghiệp và 919 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 114.804 tỷ đồng. Có 1.759 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh; có 427 doanh nghiệp ngừng kinh doanh đã khôi phục hoạt động trở lại.

Đáng chú ý, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố đã đảm bảo tốt các điều kiện, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động rất tích cực, hiệu quả.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 9.700 tỷ đồng, bằng 102% dự toán năm và tăng 25% so với năm 2022. Chi ngân sách ước đạt 27.210 tỷ đồng, bằng 142% dự toán năm. Đảm bảo đầy đủ các khoản chi lương, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và chi cho các đối tượng chính sách, chi cho an sinh xã hội. Thành lập các tổ công tác định kỳ làm việc với các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung và thu nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước tăng 17% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 đã giao chi tiết là 8.877 tỷ đồng; ước giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 113.450 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng ước đạt 98.330 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm