00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đối mặt thuế đối ứng 46% từ Mỹ: Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam

Đông Hà

Thứ hai, 14/04/2025 - 15:02

(Thanh tra) - Trước nguy cơ Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng đây không chỉ là một cú "sốc" thương mại thông thường, mà còn là phép thử cho năng lực thích ứng và chuyển đổi mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Áp lực thuế đối ứng từ Mỹ là cơ hội để Việt Nam nhìn lại cấu trúc kinh tế và tái lượng hóa năng lực nội tại. Ảnh: Đ.H

Việt Nam đang ở giai đoạn 90 ngày then chốt – khoảng thời gian tạm hoãn áp thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định – trước khi các biện pháp thuế quan có thể được chính thức triển khai. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là “khoảng lặng chiến lược”, cần được tận dụng triệt để để tái cấu trúc mô hình kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động tiếp theo trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Áp lực không chỉ nằm ở thương mại

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), nhận định chính sách thuế đối ứng mà Mỹ đề xuất có thể tạo ra tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mức thuế dự kiến lên tới 46% và áp dụng đối với phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Do đó, việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội tốt, đủ để Việt Nam có thời gian đàm phán thương mại và làm rõ những vấn đề phía Mỹ quan tâm. Đây cũng là quãng thời gian cần thiết để xây dựng các kịch bản ứng phó, đánh giá đầy đủ mức độ tác động của chính sách thuế không chỉ đối với Việt Nam mà còn trong mối tương quan với các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Ông Chương nhấn mạnh: Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn này là điều kiện cần để Việt Nam không chỉ giảm thiểu tổn thất mà còn có thể thích ứng linh hoạt hơn trước các biến động thương mại ngày càng phức tạp trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc, Mỹ hiện là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Bất kỳ thay đổi nào về chính sách thuế từ phía Mỹ đều không chỉ tác động đến một số ngành hàng riêng lẻ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cấu trúc kinh tế – thương mại của Việt Nam.

Trong số 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng, có đến 4 nhóm hàng sở hữu hệ số co giãn cầu giá cao – tức là rất nhạy cảm với biến động giá.

“Chỉ một thay đổi nhỏ về thuế suất cũng có thể kéo theo sự thay đổi lớn về cầu tiêu dùng. Khi giá hàng hóa tăng, cầu sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận biên của doanh nghiệp”, ông Phạm Sỹ Thành chỉ rõ.

Theo góc nhìn dài hạn, điều đáng lo ngại hơn cả không chỉ là mức sụt giảm về tăng trưởng GDP, việc làm hay thu nhập trong ngắn hạn. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ hiện đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên bất kỳ xung đột thương mại nào cũng có thể làm thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng.

“Cái nguy không nằm ở con số thương mại, mà ở chỗ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu qua khu vực FDI, đang bị thách thức”, ông Thành nhấn mạnh.

Đã đến lúc nhìn lại mô hình phát triển

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ tiềm ẩn rủi ro gia tăng thuế quan và gia tăng biện pháp bảo hộ, Việt Nam không thể tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng lệ thuộc vào khu vực FDI và lợi thế chi phí rẻ. Việc đánh đổi các lợi ích dài hạn để đạt được con số xuất khẩu ngắn hạn đã đến lúc phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc.

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, Việt Nam cần tận dụng cú sốc này như một động lực để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển các ngành xuất khẩu có tính bền vững hơn, kiểm soát rủi ro chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng tự chủ về công nghệ, thương hiệu cũng như năng lực sáng tạo giá trị.

“Trong 10 năm tới, những va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn và có thể mở rộng cả về phạm vi lẫn cường độ. Do đó, Việt Nam không thể chỉ loay hoay với phản ứng ngắn hạn. Thay vào đó, cần một chiến lược dài hơi cho tăng trưởng, trong đó phải xây dựng được các ngành xuất khẩu bền vững trong tương lai”, ông kết luận.

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh rằng mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ đề xuất là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng là cơ hội chiến lược để Việt Nam tái định hình cách tiếp cận phát triển trong trung và dài hạn.

Theo GS.TS Tô Trung Thành, cấu trúc kinh tế Việt Nam nhiều năm qua phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dựa trên nền tảng gia công – lắp ráp, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) giữ vai trò áp đảo. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ có xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang mô hình phát triển dựa trên khu vực kinh tế tư nhân trong nước, lấy năng lực nội sinh làm nền tảng.

Một trong những yếu tố then chốt, theo ông Thành, là cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ông đồng tình với xu hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật từ “quản lý bằng cấm đoán” sang “hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp”, coi đây là điều kiện tiên quyết để giải phóng năng lực sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, công bằng và ổn định sẽ đóng vai trò nền tảng giúp doanh nghiệp nội địa đủ sức tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn đang tái định hình sau hàng loạt xáo trộn địa chính trị và thương mại.

“Cần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nội địa hóa sản phẩm trong khu vực FDI, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đồng thời, cần đầu tư có trọng tâm vào các ngành công nghiệp chiến lược, từ đó tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới”, GS.TS Tô Trung Thành đề xuất.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), trong mỗi rủi ro luôn hàm chứa cơ hội. Việc Mỹ gia tăng rào cản thuế quan, xét ở một khía cạnh khác, chính là "thời điểm vàng" để Việt Nam nhìn lại một cách toàn diện chiến lược xuất khẩu quốc gia.

Ông Long cho rằng đây là cơ hội để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn – thông qua việc nâng cao giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào hoạt động gia công – lắp ráp, đồng thời làm chủ tốt hơn các khâu trung – cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quá trình tái cấu trúc này không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và khả năng điều phối chính sách đồng bộ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất định, việc cải tổ mô hình xuất khẩu không còn là lựa chọn mang tính định hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì sức chống chịu và khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo PGS.TS Long, điều đó đòi hỏi một nền tảng nội lực mạnh mẽ hơn – không chỉ ở cấp độ doanh nghiệp – mà còn ở tầm thể chế.

Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức nghiên cứu – đào tạo nhằm hình thành một hệ sinh thái xuất khẩu có chiều sâu, đủ sức đối phó với các cú sốc bên ngoài, đồng thời từng bước nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Thách thức từ bên ngoài là phép thử cho năng lực chuyển mình từ bên trong. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cú sốc này thành cơ hội để bứt phá”, ông Long nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đồng loạt đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào khai thác

Đồng loạt đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào khai thác

(Thanh tra) - Đúng 18h00 hôm nay (28/4), 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang sẽ chính thức đưa vào vận hành khai thác. Trước đó, vào ngày 19/4, các dự án này đã được thông xe kỹ thuật.

Trần Quý

14:42 28/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm