Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lối thoát bẫy thu nhập trung bình

Thứ sáu, 28/01/2011 - 21:24

(Thanh tra)- Việt Nam bước vào thập kỷ mới được thừa nhận đã trở thành một nước thu nhập trung bình. Đó là sự khẳng định mạnh mẽ nhất cho những thành công về kinh tế sau hơn 20 năm đổi mới.

Tuy nhiện, trở thành nước thu nhập trung bình chúng ta sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận các nguồn vốn tài trợ nước ngoài, bên cạnh đó, những bất ổn trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng đem lại ít nhiều thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, chiến lược kinh tế 10 năm tới nhắm đến mục tiêu: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững để đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Vị thế mới, thách thức mới
  
Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, sự phục hồi kinh tế thế giới còn chưa rõ ràng và chắc chắn, còn nhiều biến động thì những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trở thành nước có thu nhập trung bình trong năm qua được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi đây là những thành công đáng ngưỡng mộ về chính sách đổi mới trong hơn 2 thập niên qua của Việt Nam.

Tuy nhiên, ở vị thế mới, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những thách thức, khó khăn mới, thậm chí cam go hơn trong giai đoạn tới, đó là sự cảnh báo về “bẫy thu nhập trung bình”. Bởi, xuất phát điểm còn thấp nên Việt Nam phải mất nhiều thời gian để đuổi kịp những nước thu nhập trung bình ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta còn đứng trước nguy cơ tụt hậu do giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên của GDP bình quân đầu người tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.
     
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các chuyên gia có uy tín của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, tư vấn đầu tư lớn của quốc tế nhận xét, Việt Nam đang ở thời điểm có tính quyết định trong quá trình phát triển kinh tế. Kết quả thành công “đáng ngưỡng mộ” trong 2 thập niên phát triển vừa qua đã đưa Việt Nam đến chỗ phải đối mặt với những thách thức phát triển mới, vào đúng lúc những chính sách hiện thời đã mang lại thành công và đang tiến đến điểm giới hạn.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu mới, có những yếu tố dễ bị tổn thương mà Việt Nam cần khắc phục. Trước hết, sự tăng trưởng dựa trên sự mở rộng tín dụng không thể duy trì lâu dài. Mở rộng tín dụng quá mức sẽ liên quan trực tiếp đến tình trạng vay quá nhiều của các doanh nghiệp Nhà nước - những đối tượng ưu đãi - khiến rủi ro tăng lên. Nhu cầu tín dụng càng tăng do thâm hụt tài khoản vãng lai lớn từ vốn và các hàng hóa nhập khẩu trung gian. Mặc dù nhu cầu này đã phần nào được bù đắp bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng sự lệ thuộc vào vốn đầu tư ngắn hạn ngày càng gia tăng, tạo ra nguy cơ đảo chiều đột ngột, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Dựa trên số liệu năm 2009 về tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI), Ngân hàng Thế giới đã phân loại: Nhóm nền kinh tế thu nhập thấp ở mức 995 USD hoặc ít hơn, nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình mức 996 - 3.945 USD (trung bình thấp) và 946 - 12.195 USD (trung bình cao), nền kinh tế có mức thu nhập cao được tính từ mức 12.196 USD. GNI của Việt Nam mới chỉ gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và sản xuất hàng hóa cơ bản. Sự lệ thuộc này dễ làm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự dao động giá cả, gây hại cho môi trường trong dài hạn. Ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam có đặc thù sử dụng lao động rẻ, sản phẩm đầu ra có giá trị tăng thấp. Không có nhiều sáng tạo và đổi mới trong hoạt động này khiến ngành sản xuất của Việt Nam bị hạn chế cơ hội tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Kể cả khi không có các yếu tố dễ bị tổn thương như trên, sự tiếp tục tăng trưởng ở Việt Nam sẽ mâu thuẫn với những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại, hậu cần và các quy trình tạo điều kiện thuận lợi đã tạo ra trở ngại làm tăng chi phí cho nhà sản xuất, cản trở thương mại và hạ thấp khả năng cạnh tranh chung của quốc gia.
    
Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng của nước có thu nhập trung bình thấp chưa được hoàn thành như: Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế kinh tế vẫn còn những hạn chế; giải quyết nghèo đói  ở khu vực dân tộc ít người, khu vực nông thôn khi số người nghèo tại Việt Nam còn tới 27 triệu người tương đương 16 - 17% dân số… sẽ phải tiếp tục giải quyết trong giai đoạn tới, trong khi lại phải theo đuổi những mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, sử dụng nước sạch và vệ sinh cũng đang là những thách thức không nhỏ đối với một quốc gia mới chạm ngưỡng thu nhập trung bình như Việt Nam.
   
Là một nước thu nhập trung bình, từ năm 2011, những ưu tiên để Việt Nam tiếp nhận tài trợ quốc tế cũng thay đổi. Việt Nam không còn thuộc nhóm nước chỉ nhận tài trợ theo lối truyền thống, mà có thể tiếp cận các nguồn lực thương mại khác như từ Ngân hàng Tái thiết Phát triển (IBRD). Nguồn vốn này, tuy không hạn chế nhưng chi phí vay và lãi suất sẽ cao hơn nhiều. Điều này đòi hỏi người sử dụng nguồn vốn phải hết sức thận trọng và đề cao tính hiệu quả trong sử dụng vốn vay.

Ổn định để phát triển
   
Các chuyên gia cho rằng, khi một quốc gia giàu có hơn, phát triển hơn thì việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài là tất yếu. Hàn Quốc là một điển hình, từ một nước nhận viện trợ trở thành nước viện trợ cho các nước khác. Việt Nam, với vị thế mới, sẽ đi tới một tương lai tương tự. Vì thế, nâng cao năng suất cũng như hiệu quả của nền kinh tế giúp Việt Nam có thể chuyển sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tất cả điều này đòi hỏi Việt Nam phải có môi trường kinh doanh hiệu quả hơn cho các hoạt động của khu vực tư nhân và của doanh nghiệp. Đó là những quy định rõ ràng, minh bạch, đơn giản và có khả năng tiên liệu.
   
Tình trạng bội chi ngân sách, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán, đặc biệt là lạm phát đang có xu hướng tăng cao… ở một mức độ nào đó cho thấy mục tiêu chính sách có sự thiên vị cố hữu, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đến khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, Chính phủ lại phải viện đến các cơ chế hành chính để kiểm soát giá cả. Năm 2010 lạm phát đã ở mức 2 con số 11,75% vượt xa so với dự kiến, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường hàng hóa. Lạm phát cao, đồng tiền Việt Nam mất giá, cùng với những “sóng gió” đến từ nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng, chắc chắn sự không ổn định của nền kinh tế trong nước sẽ là những thách thức lớn của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, cần có những biện pháp căn cơ, hiệu quả để khôi phục lòng tin của các nhà tài trợ vào đồng tiền Việt Nam và ổn định nền kinh tế, an sinh cho người thu nhập thấp, tạo động lực cho phát triển.
    
Thực hiện quyết tâm này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1914 phê duyệt đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” trong giai đoạn tới. Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đã chính thức khởi động, hướng đến sâu rộng từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm; đến năm 2020 GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD; thu nhập thực tế của dân cư gấp 3,5 lần so với năm 2010. Thủ tướng cũng nêu rõ 3 khâu đột phá trong chiến lược này là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
    
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng và ổn định không nhất thiết phải mâu thuẫn và đánh đổi với nhau. Hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng thông qua ổn định. Chính phủ đúng khi cho rằng, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. Đó là tham vọng đúng nhưng cần dựa trên nền tảng ổn định.

    Hà Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm