Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giữ giá mùa tết

Thứ hai, 10/10/2011 - 10:35

Từ đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chào hàng cho mùa tết. Dù đưa ra rất nhiều nhận định khác nhau cho mùa vụ kinh doanh lớn nhất trong năm nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ tăng khuyến mãi, đồng thời ổn định giá nhằm giữ sức mua.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng người tiêu dùng mua sắm hàng tết năm nay sẽ cân nhắc hơn trong việc chi tiêu. Trong ảnh: người dân mua quần áo tại siêu thị Vinatex - Ảnh: TIẾN THÀNH

Giá bán sản phẩm hợp lý với nhiều chi phí sản xuất được chủ động cắt giảm là cách lựa chọn của không ít doanh nghiệp hiện nay.

Giá bán vừa phải làm chủ đạo

Thừa nhận sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong mùa kinh doanh dịp tết năm nay, nhưng ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty thời trang Việt, vẫn kỳ vọng vào dòng sản phẩm mới có tên “basic casual” sẽ tung ra bán trong dịp cuối năm với hai đặc điểm quan trọng: giá thấp nhưng kiểu dáng bắt mắt. Theo ông Phụng, đây là lần đầu tiên Thời trang Việt tham gia phân khúc hàng giá thấp, trung bình khoảng 200.000-250.000 đồng đối với áo sơmi, dưới 150.000 đồng cho áo thun nhằm cạnh tranh trực diện với những trung tâm bán sỉ hoặc các shop, cửa hàng chuyên “đánh” hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Tổ chức sản xuất với số lượng khoảng 800.000 sản phẩm cho dòng hàng mới này, ông Phụng cho biết sản phẩm dù có giá thấp nhưng vẫn đạt chất lượng và kiểu dáng theo tiêu chuẩn chung trên cơ sở “mạnh tay loại bỏ các hoa văn, chi tiết có thể đội giá thành lên”.

Gồng gánh từ đầu năm

Khó khăn nhất của doanh nghiệp trong thời gian qua là chi phí lãi suất, hàng tồn kho cao mà doanh nghiệp phải gồng gánh từ đầu năm đến nay trong khi doanh số bán hàng chưa đủ để bù đắp. Chưa kể, với đặc thù ngành hàng sản xuất thời vụ, nguồn lao động thiếu ổn định, tiền nhân công lại cao dẫn đến chi phí vốn cao. Theo các doanh nghiệp, dù hiện nay đã bắt đầu tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp hơn nhưng tác động từ đợt giảm này không nhiều.


Tương tự, chuỗi hệ thống siêu thị chuyên bán hàng thời trang trong nước sản xuất Vinatex Mart đã tăng nguồn hàng cung ứng cho dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán lên 700 tỉ đồng, tăng 200 tỉ đồng so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, tổng giám đốc Vinatex Mart, cho biết chỉ tính riêng hàng may mặc hiện Vinatex Mart đã có trong tay nguồn hàng trị giá khoảng 300 tỉ đồng với chính sách giá bán gần như không đổi so với năm ngoái, dù chi phí đầu vào năm nay tăng cao.

Trong khi đó, bánh kẹo, mứt là mặt hàng có sức tiêu thụ các tháng cuối năm tăng gấp 5-10 lần so với tháng bình thường, vì vậy nếu không tính toán lượng hàng sản xuất hợp lý, tình trạng “ôm hàng” rất dễ xảy ra. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Biên Hòa, cho biết giữa tháng 10 này sẽ bắt đầu chào hàng tết ra thị trường. Dự kiến sản lượng hàng tết sẽ tăng 15% nhưng ông Thiện thừa nhận sức mua vẫn là ẩn số vì tình hình đến giờ tương đối im ắng, khó đoán. Kinh Đô cũng đã công bố sản lượng tết đưa ra thị trường khoảng 40 triệu hộp bánh, giá tăng ít nhất 15% so với năm ngoái.

Giảm chi phí để có giá tốt

Theo ông Phụng, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, giá bán và bán sản phẩm ở mức nào hiện là bài toán hết sức đau đầu đối với tất cả doanh nghiệp. Sự thành công hay thất bại cho mùa kinh doanh cuối năm, ông Phụng cho rằng “giá bán sẽ giữ vai trò quyết định hơn 80%” và được xếp vào diện “siêu nhạy cảm đối với người tiêu dùng khi quyết định chọn mua sản phẩm”.

Để giữ giá như năm ngoái, bà Hồng Hương cho rằng ngay từ khi bắt tay vào sản xuất mùa vụ hàng tết, Vinatex Mart đã có nhiều buổi làm việc với nhà cung cấp để loại bỏ tối đa các chi phí không cần thiết, trong đó có chi phí bán hàng và chi phí sản xuất. Chẳng hạn trong khâu bán hàng, thay vì dán tem và dán giá lên từng sản phẩm như trước, các sản phẩm bày bán hiện được quản lý bằng mã vạch và giá bán được treo một bảng to duy nhất bên ngoài kệ chưng hàng. “Làm như vậy chúng tôi đỡ tốn công nhân viên lẫn chi phí in biểu giá mỗi khi cần thay đổi giá bán”, bà Hương phân tích.

Còn theo ông Thiện, hiện giá cả đầu vào tăng 15-20% nên giá sản phẩm tết chắc chắn phải điều chỉnh. “Chỉ còn cách cải tiến bao bì sản phẩm, phát triển mạnh hệ thống phân phối để giảm các chi phí thị trường khác thì mới có mức tăng hợp lý”, ông Thiện nói.

(Theo TTO)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm