Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giá xăng tăng làm chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng mạnh

Nguyễn Điểm

Thứ tư, 29/06/2022 - 21:54

(Thanh tra) - Giá xăng dầu tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xăng tăng làm chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Ảnh: Internet

Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê thông tin, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới.

Giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga và Ukraine càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ ra các yếu tố làm tăng CPI trong quý II năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân quý II/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý II giá gas tăng 30,99% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý II/2022 tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, quý II tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý II năm 2022; đó là: giá thịt lợn bình quân quý II/2022 giảm 18,65% so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo, làm CPI giảm 0,63 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục quý II giảm 2,86% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI giảm 0,16 điểm phần trăm. Giá thuê nhà ở quý II năm nay giảm 12,33% so với cùng kỳ năm trước do từ 6 tháng cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà, tác động làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm