Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đụng đâu vướng đấy

Thứ năm, 24/02/2011 - 17:35

(Thanh tra)- Công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CTNBLC), được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp phát lệnh khởi công vào ngày 25/4/2009. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phối hợp với chủ đầu tư, làm tốt và đúng chủ trương chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB), lo chỗ tái định cư (TĐC), công ăn việc làm cho người dân, bảo đảm tiến độ dự án. Chỉ đạo của Thủ tướng tại lễ khởi công cụ thể và rõ ràng, nhưng đến thời điểm này, nhiều xã, huyện của tỉnh Phú Thọ còn loay hoay với bài toán GPMB. 32/62km CTNBLC đi qua Phú Thọ vẫn bế tắc không thể thi công vì vướng GPMB.

Một đoạn đường CTNBLC qua Phú Thọ đang bị đình trệ thi công vì vướng GPMB. Ảnh T. Tùng


31km vướng đến 70 điểm

 
Một lãnh đạo Tổng Cty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, GPMB ở Phú Thọ chỗ nào cũng vướng. Gói thầu A3 (từ km 48 + 360 đến km 80 + 000 dài 31,64km do nhà thầu Posco E&C đảm nhận thi công), vướng đến 70 điểm. Có những trường hợp vướng đến khó tin ở gói thầu A3 như “mặt bằng vừa giải phóng xong, địa phương cho công nhân ra chôn luôn cột điện và căng dây, lãnh đạo tỉnh lại phải ra văn bản chỉ đạo dỡ đi, thành ra GPMB đến 2 lần”.

Theo Ban Quản lý dự án xây dựng đường CTNBLC, công tác GPMB được Thủ tướng giao cho địa phương, VEC chỉ có trách nhiệm chuyển tiền đủ và đúng hạn cho Ban Quản lý dự án GPMB  địa phương để tiến hành đền bù GPMB, xây dựng  khu TĐC. Vậy nhưng, sau gần 2 năm kể từ thời điểm Thủ tướng nhấn nút phát lệnh khởi công công trình, hầu hết xã, huyện ở Phú Thọ gần như không có mặt bằng nào được gọi là “sạch”  giao cho bên thi công.

Năm 2010, Ban Quản lý dự án xây dựng đường CTNBLC liên tục gửi gần 10 văn bản hối thúc đến những địa chỉ có trách nhiệm GPMB ở Phú Thọ, nhưng công tác này ở các địa phương không hề được cải thiện.   

Báo cáo về kết quả công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC tiểu dự án GPMB xây dựng đường CTNBLC của Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ ngày 13/1/2011 cũng thừa nhận: “Các hội đồng bồi thường GPMB (huyện, thị, thành) kiêm nhiệm thực thi nhiều dự án, một số cán bộ mới chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, do đó việc kiểm tra giải quyết kiến nghị của người dân đôi khi chưa kịp thời. Việc lập các phương án bồi thường bổ sung trình thẩm định ở một số địa phương còn chậm, gây bức xúc cho người dân như ở thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh, huyện Cẩm Khê”. Cũng theo báo cáo nói trên, người dân các xã, huyện cố tình cản trở  công tác liên quan đến GPMB là để đợi được áp giá đền bù theo Nghị định 69/2009/NĐ/CP (có hiệu lực thi hành từ 1/10/2009).

Một trong các khu TĐC cho người dân bị thu hồi đất GPMB đường CTNBLC còn dang dở. Ảnh T. Tùng


Vướng từ xã

Các khu vực đã bàn giao mặt bằng đợt 1 cho chủ đầu tư (VEC) và nhà thầu thi công (gói thầu A3, A4) đến nay còn tồn tại  nhiều vướng mắc như: Kiểm đếm thiếu nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để chi trả bổ sung; chi trả nhầm đối tượng; chưa hoàn thiện hồ sơ trình duyệt để chi trả tiền hỗ trợ mất đất nông nghiệp. Tại huyện Cẩm Khê, 10,88km dự án chưa triển khai được bất cứ công việc gì do người dân… kiên quyết phản đối. VEC cùng Ban Quản lý dự án GPMB tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Cẩm Khê đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay chưa có giải pháp cụ thể nào.

Nguyên nhân chủ yếu khác được VEC nêu ra là “một số thửa đất chưa có sự thống nhất về sở hữu giữa chính quyền xã và người dân”.  Điển hình của sự “không thống nhất” này xảy ra ở xã Đông Thành (huyện Thanh Ba). Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, tại Đông Thành đang có tình trạng người dân tranh chấp diện tích quỹ đất 2 với UBND xã.

Tranh chấp giằng dai làm công tác GPMB gần như bế tắc. Để có câu trả lời thực tế, chúng tôi đã gặp ông Vi Văn Khối, Chủ tịch UBND xã Đông Thành. Vừa nghe chúng tôi đề cập đến quỹ đất 2, ông Khối đã lớn tiếng, tỏ thái độ không hợp tác, cho rằng vấn đề chúng tôi đề cập đến là không khách quan, ảnh hưởng đến xã. Theo ông Khối, tiền đền bù cho quỹ đất 2 hơn 1,3 tỷ đồng đang “nằm ở ngân sách địa phương”. Xã đang vận động bà con xác định xem “đất nào là đất của mình”. Hoa lợi trên đất thì bà con hưởng còn đất đất quỹ 2 là của… tập thể.

Chúng tôi nêu câu hỏi, đất do xã quản lý sao không ngăn bà con canh tác từ hàng chục năm về trước? Ông Khối phân trần: “Tấc đất tấc vàng, bà con tranh thủ cắm cây keo, cây bạch đàn, trồng lúa, thả trâu bò làm sao suốt ngày chúng tôi ở đấy mà ngăn được! Sau khoán 10, Đông Thành là xã có đặc thù riêng, không  giao đất quỹ 2 cho ai. Đất quỹ 2 do xã quản lý, không ai được “chọc” vào.  “Chọc” vào rồi đòi tôi trả công là không có đâu nhé” - ông Vi Văn Khối cao giọng.

Thái độ cùng ý kiến có phần gay gắt của Chủ tịch UBND một xã có đường cao tốc đi qua cho thấy việc GPMB khó mà thực hiện được suôn sẻ. GPMB hướng đến đối tượng cụ thể là người dân, trong khi dân lại đang tranh chấp với chính quyền về nguồn gốc đất. Bài toán GPMB phục vụ thi công công trình trọng điểm quốc gia đang còn quá gian nan tại các địa phương ở Phú Thọ.

 Thanh Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm