Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Du lịch biển, đảo Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ ba, 10/05/2011 - 05:33

(Thanh tra)- Dịp hè là cơ hội du lịch biển lên ngôi, thế nhưng để tìm được các tour du lịch biển từ các Cty lữ hành, nhất là phía Bắc rất ít. Lý do, đi biển rất gần và bãi biển thường không có các dịch vụ nào khác lạ, nên đa phần du khách tự túc chuyến đi. Điều này cho thấy du lịch biển hoàn toàn bỏ trống các chương trình thu hút khách, đủ sức lôi cuốn họ đăng ký đi tour từ phía các khu du lịch biển và các đơn vị tổ chức tour. Khi khách đa phần tự túc, đương nhiên việc đối mặt với sự chặt chém, các dịch vụ kém chất lượng, cẩu thả là khó tránh khỏi.

Lượng khách đổ về các khu du lịch biển như: Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò... dịp hè luôn quá tải, dẫn tới tình trạng "chặt chém". Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu hè, giá mọi dịch vụ lớn nhỏ tại các khu du lịch biển đã tăng cao. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm...

Điều đó cho thấy, mặc dù ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều nỗ lực trong việc tận dụng ưu thế về biển, đảo để phát triển du lịch, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề mà người làm du lịch băn khoăn như: Vấn đề bảo vệ môi trường, sạch đẹp của các bãi tắm, tình trạng chặt chém khách diễn ra ồ ạt, hệ thống bãi biển đẹp nhưng bị băm nát bởi xây dựng thiếu hệ thống... Chính sự manh mún, kinh doanh mang tính thời vụ như thế nên khó giữ chân du khách lâu ngày và mang tính quy mô.

Nếu khách đi lẻ, theo kinh nghiệm của ông Trần Thành Công, Phó Giám đốc Cty Lữ hành Hanoitourist, nên liên hệ đặt phòng trước, thoả thuận giá cả với khách sạn, nếu được thì có thể chuyển khoản trước cho họ ít tiền để giữ chỗ, bởi đa số khách du lịch hiện chủ yếu là tự phát, ít khi lên trước kế hoạch. Ngoài ra, trước chuyến đi khách có thể liên hệ với các Cty du lịch uy tín để họ đặt phòng trước và phương tiện đi lại, tuy giá cao hơn tự đặt một chút, nhưng hài lòng về dịch vụ. Cũng phải nói thêm rằng, chính quyền địa phương của những khu du lịch vẫn còn thiếu những biện pháp hiệu quả, xử lý triệt để hàng quán bán giá chặt chém, thậm chí một số nơi còn dung túng cho hành động này mà không có những hành động bảo vệ du khách.

Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% doanh thu của ngành Du lịch và đang được xem là chiến lược phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Đến nay, đã có rất nhiều khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư dọc theo khu vực biển miền Trung, chủ yếu đón nguồn khách quốc tế… Thế nhưng, tổ chức tour cho khách du lịch trong nước, lực lượng đông đảo, chủ lực đi biển dịp hè thì các Cty lữ hành chưa tìm ra được hướng tổ chức hiệu quả. Trừ một vài Cty lữ hành lớn như SaiGontourist, Hanoitourist và Vietravel, còn lại phần đa các Cty du lịch hiếm khi mới tổ chức tour về biển đảo. Có chăng chỉ tiến hành theo yêu cầu khi khách hàng đặt trước cụ thể về số lượng đoàn, chứ không có tour khởi hành thường xuyên hay mang tính định kỳ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bỏ hẳn mảng này, chưa khai thác sâu tiềm năng du lịch biển, đảo đã tạo nên thiệt thòi cho chính doanh nghiệp lẫn khách hàng.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Cty Du lịch Vòng Tròn Việt dẫn chứng: “Dễ thấy nhất như tour Côn Đảo rất được nhiều người quan tâm, nhưng cả miền Tây chưa thể khai thác trực tiếp bằng tàu biển. Trước đây, có tàu xuất phát từ Cần Thơ, Trà Vinh nhưng cả 2 nơi đều thực hiện không thành công. Cho nên, muốn đi tour Côn Đảo, người miền Tây phải xuất phát từ TP Hồ Chí Minh (máy bay) hoặc Vũng Tàu (đường thủy). Đường đi vòng này đã đội chi phí khá cao, nên khó khai thác hiệu quả”. Theo các Cty lữ hành, một số vùng biển đẹp, tiềm năng lớn như thế nhưng khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc… do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay.

Ngay như Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề biển, đảo khai mạc ở tỉnh Phú Yên mới đây và diễn ra tại 8 tỉnh, TP ven biển miền Trung đến hết năm 2011, nếu các đơn vị lữ hành biết khảo sát đầu tư sâu, chắc rằng sẽ có nhiều chương trình mới hấp dẫn để chào bán cho du khách.

Để thành công trong việc phát triển du lịch biển, đảo tại các cuộc họp báo gần đây, theo kiến nghị từ phía các Cty du lịch, Tổng cục Du lịch không chỉ dừng lại ở một năm du lịch biển đảo 2011 mà nên tổ chức kéo dài ít nhất 3 năm. Trong đó, mỗi tỉnh cần có chiến lược phát triển lợi thế của mình với những đặc thù riêng trong tổng thể chiến lược chung. Quan trọng là, xác định đối tượng phục vụ, tăng cường khả năng quảng bá xúc tiến trong khu vực và quốc tế, thông qua sự ủng hộ của các kênh truyền thông trong nước, tổ chức chương trình cho các Cty lữ hành nước ngoài đến tìm hiểu tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam, tạo điều kiện để các đoàn làm phim nước ngoài giới thiệu vẻ đẹp của biển đảo… Làm được vậy, chúng ta sẽ tiến xa hơn trong việc xúc tiến phát triển, quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm