Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp tăng cường liên kết, giảm chi tiêu để hạn chế tăng giá

Thứ sáu, 11/03/2011 - 10:19

(Thanh tra)- Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tăng cường liên kết, giảm chi tiêu để hạn chế tăng giá sản phẩm và trao đổi về giải pháp kinh doanh trước tình hình mới, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ DN (BSA), tổ chức hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của DN” tại TP Hồ Chí Minh, ngày 10/3.

Tuy đã dự báo được tình hình giá các mặt hàng sẽ tăng trong năm 2011 và đã có kế hoạch ứng phó, nhưng mặt bằng giá hiện tại vượt qua dự đoán nên DN cũng vướng phải không ít khó khăn. Ông Trương Đình Thạc, Giám đốc Cty Kim Sơn hoạt động trong ngành Dệt may cho biết: Việc tỷ giá được điều chỉnh ở biên độ cao so với từ trước đến nay ảnh hưởng rất lớn đến ngành Dệt may do nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu. Đối với nguyên liệu bông thì DN nhập khẩu từ rất nhiều quốc gia, chủ yếu châu Á và mức tăng hiện nay là khoảng 50% và đặc biệt là sợi bông cotton. Trước tình hình giá xăng, giá điện tăng và các loại hàng hóa thiết yếu khác tăng theo, nếu DN cũng tăng giá sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, Cty Kim Sơn sẽ không tăng giá sản phẩm mà chọn giải pháp cơ cấu lại sản xuất và điều chỉnh lại hoạt động để góp phần bình ổn thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm với các DN, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Cty Casumina cho rằng: Để hạn chế khó khăn trong tình hình thị trường giá cả bất ổn, DN cố gắng cân đối xuất - nhập để giảm bớt áp lực tỷ giá, giảm vay vốn đầu tư, giảm tồn kho và chỉ nên đầu tư vừa đủ, cố gắng giữ chân người lao động trong tình hình phải tiết chế sản xuất. Ngoài ra, nhằm phát triển kinh doanh bền vững, DN có thể cắt giảm các chi phí không cần thiết, điều tiết cơ cấu sản phẩm và ưu tiên kinh doanh những sản phẩm thu lợi nhuận cao, phát triển sản phẩm mới.

Còn ông Trần Kim Thành, Tổng Giám đốc Cty Kinh Đô nhận định: Tình hình hiện tại đòi hỏi DN phải bình tĩnh và hoạch định tốt để việc kinh doanh luôn trong tầm kiểm soát. Đồng thời, các DN cần thiết phải tăng cường liên kết, chuỗi cung ứng của DN và nhà cung cấp phải luôn có sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để đầu vào của DN tương đối ổn định, tránh việc sản phẩm bị lên giá liên tục.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã phổ biến cụ thể Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và giải đáp vướng mắc của DN. Mặc dù đầu năm 2011 tình hình kinh tế gặp một số khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất trong 2 tháng đầu năm vẫn ổn định và đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho thị trường. Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu cao, khoảng 80% tỉ lệ nhập siêu rơi vào các nhóm nguyên liệu, máy móc… còn các mặt hàng tiêu dùng chiếm tỉ lệ rất ít. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 để ổn định nền kinh tế, Bộ Công thương cũng đã đề ra Chương trình Hành động gồm 9 nội dung nhằm thúc đẩy công tác triển khai và phổ biến Nghị quyết số 11 đến với từng DN. Do đó, các DN cần đồng hành với Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 và liên kết với nhau để đạt mục đích kinh doanh bền vững. DN nên rà soát lại hoạt động kinh doanh, tăng cường quản lý dòng tiền, cơ cấu lại ngành hàng, mặt hàng phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại và đẩy mạnh việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Mỹ Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm