Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp cần chủ động xác lập, phát triển quyền SHTT

Thứ tư, 04/04/2012 - 21:39

(Thanh tra) - Sở hữu trí tuệ (SHTT) không phải là vấn đề mới. Ở Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này đã khá hoàn thiện. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam Trần Quang Hùng, việc thực thi Luật SHTT còn nhiều bất cập, các vụ xâm hại quyền SHTT, tranh chấp thương hiệu, làm hàng giả, hàng nhái… thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc bảo vệ quyền SHTT.

Diễn đàn “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được tổ chức tại Hà Nội ngày 4/4.

Còn nhiều khó khăn

Các DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Họ ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ muốn sử dụng, khó tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư vào công nghệ đó cũng như các công cụ, diễn đàn để trao đổi, chia sẻ công nghệ mới với các đối tác trong khi tiềm lực tài chính lại hạn chế.

Theo báo cáo của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), số vụ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp trong năm 2010 là 215 vụ, tăng 40,5% so với năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Bảy, cán bộ Cục SHTT cho biết: Bảo hộ quyền SHTT thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đầu tư bằng cách giúp quá trình thương mại hóa các sản phẩm, thu hồi vốn đầu tư, có lợi nhuận để tái đầu tư cho sáng tạo. SHTT tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Các khoản đầu tư, vật lực được pháp luật bảo vệ góp phần thu hút đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài. Bảo bộ quyền SHTT thúc đẩy phát triển xã hội. Để được bảo hộ, chủ sở hữu phải có sự đánh đổi, từ đó tạo nguồn thông tin khổng lồ cho xã hội, tránh nghiên cứu trùng lặp… Sau khi kết thúc bảo hộ sẽ trở thành tài sản chung của xã hội.


Ngày nay, bảo hộ quyền SHTT là một trong 3 cột trụ của đàm phán thương mại quốc tế (cùng với thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ). SHTT đang trở thành một loại tài sản vô hình, với tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tài sản của các doanh nghiệp. Tại Mỹ, tài sản này nâng từ 38% năm 1982 lên 70% vào năm 2000. Còn tại Nhật Bản, tính trên 284 mẫu doanh nghiệp được khảo sát, SHTT chiếm 45,2% tổng tài sản.
Giá trị tài sản trí tuệ của Việt Nam ngày càng tăng cao: Nhãn hiệu P/S có giá trị 5 triệu USD (1996); làm lợi từ áp dụng giải pháp hữu ích “Phối liệu đóng bánh quặng phốt phát” của Công ty Phân lân Văn Điển giá trị hơn 87 tỷ đồng (1990 - 1996); làm lợi từ áp dụng giải pháp hữu ích “Lò cao sản xuất phân lân nung chảy” có giá trị 38 tỷ đồng; giống lúa mới TH3-3 của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm có giá trị 10 tỷ đồng (6/2008)…

Khi câu chuyện để “mất” thương hiệu đang đặt ra những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở chuyện của từng DN hay với riêng một sản phẩm, việc bảo vệ quyền SHTT càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không ngừng nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Để nâng cao quyền SHTT, theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam Trần Quang Hùng, biện pháp chủ yếu là, trước khi nghiên cứu, phát triển một loại sản phẩm mới hoặc dịch vụ nào đó, các DN cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu, sáng chế đã có. Ngoài ra, khi nghiên cứu chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao có giá trị lớn và nhiều khả năng bị làm giả, làm nhái hoặc sử dụng trái phép thì DN cần nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả.

Ông Hùng đã đưa ra ví dụ về lợi ích của việc đăng ký quyền SHTT của ngành điện tử như: Máy thu trực canh cho tàu thuyền đánh cá do công ty Điện tử Hải Phòng nghiên cứu thiết kế và sản xuất đã được cấp bằng Độc quyền sáng chế vào tháng 10 năm 2010, đã được lắp đặt cho 7.000 tàu thuyền đánh cá trong năm 2010 và sẽ được lắp đặt cho 30.000 tàu thuyền trong năm 2012 và 2013.

Phát biểu tại diễn đàn “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được tổ chức tại Hà Nội ngày 4/4, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Để SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp các DN chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, các DN và các cơ quan liên quan cần liên tục cập nhật thông tin và không ngừng nâng cao nhận thức về SHTT. DN cần chủ động xác lập quyền và bảo vệ, phát triển quyền, tạo ra tài sản có giá trị về SHTT.

Theo đại diện Cục SHTT, có 2 cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, nhãn hiệu tập thể… là: Giao dịch trực tiếp với Cục SHTT (kể cả qua bưu điện) và thông qua dịch vụ đại diện. Việc đăng ký ở nước ngoài được thực hiện theo các bước: Cần xác định thị trường mục tiêu, tìm hiểu thủ tục, đăng ký theo Thỏa ước/Nghị định thư Madrid, nộp đơn đăng ký trực tiếp tại mỗi quốc gia sử dụng dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài.

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm