Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 04/06/2018 - 19:52
(Thanh tra)- Ngày 4/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn loạt vấn đề “nóng” liên quan đến câu chuyện BOT, đất đai.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: HG
Chỉ định thầu dự án BOT có gây thất thoát, lãng phí?
Chất vấn tư lệnh ngành GTVT, theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), doanh nghiệp (DN) phản ánh, có hiện tượng “dàn xếp” thông qua chỉ định thầu, nên họ không thể cạnh tranh được.
“Tình trạng đặc quyền và độc quyền thông qua chỉ định thầu khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án kéo dài, đội vốn, có dự án bị đội vốn lên 36 lần. Bộ trưởng có biết việc này hay không và giải pháp xử lý thế nào?", ông Nghĩa hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, vừa qua, các dự án BOT đều được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ để tham gia đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên bộ sẽ tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, có những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm, buộc bộ này phải chỉ định thầu.
“Chúng tôi phải chỉ định thầu theo quy định của luật. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát một cách chặt chẽ”, ông Thể nói và nhấn mạnh, nếu phát hiện có hiện tượng thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, thực tế, có một số dự án kéo dài, gây lãng phí. Tuy nhiên, hàng tháng, hàng quý đều họp giao ban, kiểm tra, giám sát với hy vọng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí.
Chưa thỏa mãn, giơ biển tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn thêm, dẫn số liệu báo chí nêu hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
“Một số dự án rất lớn, người ta nói công trình giao thông đó chỉ phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, do đó có những con đường đó rất đắt vì sự đánh đổi này. Kiểm toán đã nêu rồi thì xử lý như thế nào, chừng nào xử lý? Vì đây dính tới hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách, của xã hội và của nhân dân”, ông Nghĩa chất vấn thêm.
ĐBQH Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa) nói tiếp, rất nhiều dự án các nhà thầu được chỉ định thầu bán lại cho các nhà đầu tư khác để hưởng lợi. “Cử tri cho rằng, việc DN được hưởng lợi từ chênh lệch có nghĩa là xã hội đã mất đi một khoản chi phí bất hợp lý từ việc chỉ định thầu”, ĐB Xuân chất vấn.
Trưởng ngành GTVT khẳng định, đã thực hiện theo đúng quy định. Việc gì cho phép thì bộ làm. Có những việc phải xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ mới thực hiện. Việc làm này hết sức minh bạch.
Công khai thu - chi trạm BOT vào cuối năm
Nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động của trạm BOT, thu phí BOT được các ĐB dồn dập nêu ra. Theo ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án có trạm BOT đặt sai vị trí, khiến người dân không đi đường BOT cũng phải trả tiền.
“Trong báo cáo của bộ trưởng cũng như trong giải pháp bộ trưởng vừa nêu, tôi chỉ thấy toát lên, dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá. Sau đó thuyết phục, dân không chịu lại dừng, dân chịu thì thu. Như thế đã vì lợi ích của dân chưa, tại sao dân không đi phải trả tiền”, ĐB Hàm nêu.
Trả lời, bộ trưởng cho hay, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án do "lịch sử để lại”, triển khai đã lâu, khi chuyển về Bộ GTVT thì bộ tiếp nhận. Tương tự, với các tuyến đường tránh để tạo đột phá kinh tế cho địa phương, toàn bộ việc này đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật, không chỉ riêng Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương cũng tham gia cho ý kiến.
Trong khi ngân sách Nhà nước khó khăn, rất khó bố trí nguồn vốn lớn để mua lại các dự án này. “Chúng tôi đã báo cáo với ĐBQH, khi QH biểu quyết khi có khả năng cân đối được nguồn vốn thì bộ sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này”, ông Thể mong các ĐHQH, người dân thông cảm.
Ông cho biết, để hài hòa, bộ cố gắng giảm chi phí tốt nhất cho người dân, giảm toàn bộ xe của người dân sống trong khu vực trạm thu BOT, có dự án mở rộng phạm vi đến 10km.
Không hài lòng, ĐB Hàm cho rằng, trả lời của bộ trưởng chưa thỏa đáng. Đồng tình, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu, “có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT có thể kiện Bộ GTVT nên bộ vẫn cứ tư duy vá ổ gà để xử lý các trạm BOT nằm lạc ra khỏi dự án không?”. Theo ĐB Hồng, tư duy tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí là “không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị cần làm rõ việc công khai thu phí BOT. “Bộ trưởng cho hay chưa công khai được thu phí BOT bởi vì đang đợi quyết toán. Xin hỏi bộ trưởng tại sao chưa quyết toán, chưa biết tổng mức đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để xác định mức thu phí BOT và thời gian thu phí BOT, trong khi việc thu phí này đã và đang được triển khai. Như vậy, có phải là đang áng chừng mức thu phí hay không”, ĐB Hương chất vấn.
Ông Thể giải thích, Nhà nước đặt hàng các DN nâng cấp đường để cung cấp dịch vụ công. Do đó, việc thu phí của các DN BOT là phù hợp với chủ trương, đường lối của Nhà nước. “Những dự án BOT thì nhà đầu tư BOT có trách nhiệm duy tu, nâng cấp. Nếu không duy tu tốt thì dừng không cho thu phí. BOT kinh doanh trong hệ thống pháp luật nhưng vẫn phải duy tu, bảo dưỡng”, ông Thể nói.
Tiếp thu ý kiến ĐB, theo bộ trưởng, việc công khai này là hoàn toàn trong tầm tay. “Từ giờ đến cuối năm nay Bộ GTVT sẽ triển khai hệ thống thu phí tự động, các thông tin liên quan sẽ hiển thị đầy đủ trên bảng thông báo của BOT”, ông Thể nói.
Sốt đất nơi dự kiến làm đặc khu chủ yếu do giao dịch ngầm
Từ 15h10 cùng ngày, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà bắt đầu “đăng đàn” trả lời chất vấn.
Chia sẻ quản lý đất đai “là rất khó và phức tạp”, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lo lắng trước tình hình phức tạp và đất đai sốt giá tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) - 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.
Trả lời, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thông thường khi có kỳ vọng về tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì theo quy luật, thị trường đất đai ở đó sẽ thay đổi, sốt nóng.
"Chúng ta biết quy luật này nhưng ngoài việc ban hành biện pháp hành chính thì chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa", ông Hà nói và nhắc lại câu chuyện sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai) cách đây 5 năm. Theo bộ trưởng, chính quyền địa phương thời điểm đó ban hành chỉ thị hành chính ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch ngầm vẫn diễn ra. Với 3 địa phương sắp thành đặc khu, nhà đầu cơ hy vọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép.
“Cơ quan quản lý, năng lực quản lý, tính nhạy cảm để kiểm soát và kiểm tra xử lý là chưa kịp thời. Chúng ta phải thông báo cho các bên, nếu giao dịch trái pháp luật thì khi quy hoạch, đầu tư, đền bù, áp dụng biện pháp như thế nào để công bằng và nhà đầu cơ không “còn đất” đầu cơ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Quan tâm đến vấn đề khiếu kiện đất đai, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) hỏi, nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục cơ bản vấn đề này.
“Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương đã giao hàng vạn ha đất cho tổ chức, doanh nghiệp xây dựng dự án đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Bộ trưởng cho biết hướng xử lý thế nào?”, ĐB chất vấn.
Bộ trưởng Hà cho hay, khiếu kiện liên quan đến đất đai là vấn đề nhức nhối, gây mất an ninh trật tự xã hội. Hiện 70% khiếu nại liên quan đến đất đai, trong đó có những vấn đề từ 30-40 năm trước. Nội dung tập trung vào 3 nhóm vấn đề (giá; trình tự thủ tục xử lý không đúng quy trình; đóng góp kinh phí của người dân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: HG
Để giải quyết căn cơ, tư lệnh ngành TNMT cho rằng, cần rà soát từng vấn đề, như thẩm quyền giải quyết khiếu kiện; xem lại quyền lợi các bên để tránh thu hồi giá rẻ, giao cho DN thì đẩy giá lên rất cao.
“Cần có phương pháp tính giá như thế nào đó để phân chia lại giá trị gia tăng khi Nhà nước thay đổi mục đích sử dụng đất, tạo ra hạ tầng thông qua việc làm thật tốt tái định cư, nói cách khác là làm bài bản để người dân đồng tình”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và lưu ý, việc giao đất không đấu giá nảy sinh rất nhiều vấn đề không minh bạch.
Còn vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo bộ trưởng, là biện pháp để quản lý Nhà nước vì “không có giấy tờ thì không thể làm được gì được”. Cho nên, cần có biện pháp cho nợ trách nhiệm tài chính của người sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có giao dịch thì hồi tố để thu tiền.
Về quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, “quan điểm của chúng tôi bờ biển là sử dụng chung không thuộc doanh nghiệp, tổ chức nào. Bờ biển, sử dụng biển là của nhân dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho rằng, nếu có vi phạm thì kiên quyết xử lý.
Phó Thủ tướng: Không đầu tư BOT trên tuyến đường độc đạo “Chia lửa” với Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là yêu cầu thanh tra, kiểm ra tất cả các công trình đầu tư xây dựng, xem việc chỉ định thầu có đúng luật không? Xem có việc thông thầu giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế với cán bộ để tăng khống khối lượng, gây thất thoát vốn Nhà nước không. “Tất cả các vấn đề sai phạm đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, việc huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình bằng hình thức BOT là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì không ít dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng đầu tư còn thấp, mức phí cao, thời gian thu phí dài, đặc biệt là vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý đã gây bức xúc. “Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng”, Phó Thủ tướng cho biết như yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại tất cả các dự án BOT để xác định đúng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, xác định chi phí, thời gian thu phí hợp lý, cũng như các giải pháp để khắc phục bất cập vị trí đặt trạm thu phí để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, đặc biệt là người dân. Về giải pháp thời gian tới, theo Phó Thủ tướng là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, bảo đảm công khai minh bạch, khắc phục “kẽ hở” làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; xác định rõ tuyếnđường, công trình đầu tư bằng hình thức BOT, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và công khai để người dân biết giám sát. “Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới không đầu tư trên các tuyến đường độc đạo, bảo đảm cho người dân có sự lựa chọn””, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa, sẽ xử lý nghiêm mọi vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình BOT theo đúng quy định của pháp luật. |
Hai ĐB Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) và ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cùng chất vấn về tình trạng đường sắt lạc hậu, dẫn tới tai nạn xảy ra liên tiếp vừa qua. “Từ năm 1936, Việt Nam có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất châu Á. Để đường sắt dẫn đến tình trạng này thuộc trách nhiệm của chúng ta”, ông Quốc nói. Làm rõ, Bộ trưởng Thể cho biết, đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam có ý nghĩa quan trọng, nhưng làm đường sắt chưa tốt. “Tôi cũng thừa nhận ngành Giao thông tham mưu kém nên đường sắt phát triển không đúng yêu cầu. Đường sắt phát triển kém, có những đường phát triển 70-80 năm rồi, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”. Không đồng ý với lý do “tham mưu kém”, ông Quốc tranh luận lại, “tôi là người viết lịch sử ngành Đường sắt, có thể nói là bị bỏ rơi ngành Đường sắt thì đúng hơn”, ông Quốc nói và đặt vấn đề. phải chăng đường bộ chia nhỏ được các dự án, có lợi ích nhóm nên được tập trung đầu tư. Trả lời, theo Bộ trưởng Thể, đường sắt có vốn đầu tư lớn, khi quyết các dự án lên đến hàng tỉ USD. “Với cá nhân tôi làm đường sắt, đường bộ đều như nhau. Bản thân tôi lấy cái tâm để làm, nếu tôi có vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thể nói. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận thấy, trong báo cáo của Bộ GTVT, việc đầu tư cho đường sắt rất ít mà tập trung đầu tư đường sắt Cát Linh - Hà Nội và số đường sắt quan trọng khác. Làm rõ, theo ông Thể, Bộ GTVT vẫn quan tâm đầu tư cho ngành Đường sắt. Còn đường sắt đô thị đang cần thiết cho các TP lớn. Tuy nhiên, ông thừa nhận, hiện đầu tư cho đường sắt chỉ từ 2-7%, so với tổng chi của ngành Giao thông là thấp. Chúng ta đang mâu thuẫn, nâng cấp đường sắt hiện nay thế nào cho hợp lý, vì đường sắt hiện nay đang lạc hậu. “Đường sắt khổ 1m thì chỉ có Việt Nam và vài nước dùng thôi, cả thế giới này dùng 1,435m. Do đó, khi nâng cấp hết sức đắn đo, việc đổ tiền nhiều trong khi hiệu quả thấp, không kết nối được là mâu thuẫn”, ông Thể nói.
Đường sắt Bắc - Nam vô cùng lạc hậu
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.
Nhật Minh
19:40 14/12/2024(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.
Lê Phương
16:31 14/12/2024Uyên Uyên
16:28 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Liên Hương
10:25 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh