Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn bị buông lỏng

Thứ hai, 09/04/2012 - 21:29

(Thanh tra)- Vì sao gas trong nước sản xuất đã chiếm khoảng 53,3% thị phần tiêu thụ, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua theo giá thế giới? Đây là lỗ hổng lớn của công tác quản lý và điều phối thị trường gas trong nước.

Thị trường loạn giá

Đầu tháng 4, hàng loạt hãng gas giảm giá mạnh, từ 56.000 - 72.000 đồng/bình loại 12 kg. Hiệp hội Gas Việt Nam dự báo, trong tháng 4, giá gas thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm thêm vài chục USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ đang giảm rất mạnh vì đã qua mùa Đông. Thế nhưng, giá bán trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá thế giới.

Không những vậy, mỗi hãng gas lại đang bán với giá khác nhau, chênh từ 40.000 - 50.000 đồng/bình. Chẳng hạn, loại bình 12 kg: Petro Gas có giá 410.000 đồng/bình; Petrolimex Hà Nội là 416.000 đồng/bình, trong khi hãng Total Gas và Shell có giá lần lượt là 440.000 và 450.000 đồng/bình.

Khi đến tay người tiêu dùng, giá gas còn bị các đại lý bán lẻ tăng thêm một cách tùy tiện, mặc dù đã được các hãng gas chiết khấu hoa hồng. Chẳng hạn, sau khi giảm giá, Saigon Petro đưa ra giá bán lẻ (đã chiết khấu cho hệ thống đại lý) 405.000 đồng/bình 12 kg, nhưng người tiêu dùng vẫn phải trả 410.000 - 415.000 đồng/bình. Lý do giá bán lẻ cao hơn giá công bố được các đại lý biện minh là do vận chuyển xa, hàng tồn kho, lấy thêm để bù lỗ hàng bán ế trước đó…

Theo tính toán của các chuyên gia, giá gas thế giới giao tháng 4 là 992,5 USD/tấn, giảm 212,5 USD/tấn so với tháng 3. Nếu cộng các loại phí và thuế VAT 10%, giá gas ở kho tại cảng TP HCM chưa vượt qua mốc 1.200 USD/tấn. Như vậy, mỗi kg gas chỉ khoảng 23.000 đồng, mỗi bình gas 12 kg có giá trên dưới 276.000 đồng/bình. Nếu tính chi tiết giá gas bán lẻ cho người tiêu dùng gồm 30.000 đồng phí vận chuyển, lưu kho, lợi nhuận doanh nghiệp (DN), tiền bảo trì bình gas và 40.000 đồng/bình gas dành cho các đại lý thì mỗi bình gas giá không thể vượt quá mốc 350.000 đồng.

Như vậy, nếu so sánh với giá gas bán lẻ thấp nhất trên thị trường hiện nay là Saigon Petro (405.000 đồng/bình) thì DN kinh doanh gas đã lãi 55.000 đồng/bình 12 kg. Hoặc với mức bán lẻ 442.000 đồng/bình 12 kg của Shell Gas như hiện nay thì mức lợi nhuận mà DN thu về hơn 90.000 đồng/bình…

“Quên” chức năng điều tiết thị trường

Theo Bộ Công thương, hiện nay nguồn gas sản xuất trong nước tại Nhà máy Dung Quất và Nhà máy Dinh Cố có sản lượng khoảng 640.000 tấn/năm. Trong khi đó, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn gas. Như vậy, gas sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 53,3% thị phần tiêu thụ. Với tỉ lệ này, đáng lý ra gas trong nước phải có vai trò tham gia điều tiết trên thị trường, chi phối ít nhất 50% việc định giá gas bán lẻ.

Các chuyên gia cho rằng, gas sản xuất trong nước có lợi thế hơn ở tính chủ động nguồn hàng, chi phí sản xuất. Hơn nữa, mặt hàng này không phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển và bảo hiểm tốn kém như hàng nhập khẩu. Tính ra mỗi tấn gas, khoản chênh lệch giữa gas trong nước và gas nhập khẩu nhờ không phải chịu các loại chi phí trên có thể lên đến khoảng 100 USD/tấn, tức có thể thấp hơn gas nhập khẩu 23.000 - 24.000 đồng/bình 12kg.

Thế nhưng, toàn bộ 640.000 tấn gas sản xuất trong nước khi bán ra thị trường lại theo đúng giá gas nhập khẩu. Người tiêu dùng hoàn toàn không được hưởng chút quyền lợi nào từ việc hàng trong nước chiếm thị phần ngày càng lớn. Trong khi đây cũng là yêu cầu về nhiệm vụ đối với các tập đoàn, tổng Cty, DN Nhà nước là “đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, việc định giá, đấu giá, phân phối gas sản xuất trong nước có nhiều biểu hiện chưa công khai, minh bạch. Tổng Cty Khí Việt Nam (PV Gas) là nhà nhập khẩu gas lớn nhất và bán sỉ cho những DN đầu mối gas khác, cũng là đơn vị được “quyền” thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, thay vì đấu giá toàn bộ, PV Gas chỉ đưa ra đấu giá 50% nguồn sản xuất ở Nhà máy Dung Quất và 75% nguồn ở Nhà máy Dinh Cố. Phần còn lại PV Gas ưu tiên phân phối cho các Cty con của mình nhằm xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ. Nhưng trên thực tế, các Cty con của PV Gas sau khi được ưu tiên nguồn hàng phần lớn đều bán cho đơn vị khác hưởng chênh lệch.

Nếu tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu, PV Gas hiện chiếm tới gần 80% thị phần phân phối gas. Với các yếu tố này, thật khó để có một thị trường gas công bằng và quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng được xem trọng.

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước

Hiện nay, gas nằm trong nhóm mặt hàng bình ổn giá do liên Bộ Công thương - Tài chính quản lý nhưng được kinh doanh theo cơ chế thị trường, DN quyết định giá và đăng ký giá bán với cơ quan quản lý. Vì vậy, theo các chuyên gia, để minh bạch thị trường gas, cơ quan quản lý cần kiểm tra và công khai các chi phí và việc tăng giá của DN gas có hợp lý hay không.

Đối với gas sản xuất trong nước và nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng: Về nguyên tắc, một DN chỉ chiếm 30% thị phần đã được gọi là độc quyền. Khi đó, Nhà nước phải có sự can thiệp, không thể để cho DN được tự quyết định giá như trường hợp của PV Gas hiện nay. Ngoài ra, quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước; tách bạch giá gas sản xuất trong nước với giá gas nhập khẩu để tránh một vài DN được hưởng lợi; Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, tăng các hình phạt thỏa đáng, nghiêm minh mới có tác dụng.           

Hà Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm