Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ hội bứt phá 2012

Thứ tư, 01/02/2012 - 12:50

(Thanh tra) - Diễn biến kinh tế thế giới năm qua không như mong đợi, khi tiếp tục lấn sâu vào khủng hoảng bởi suy thoái và nợ công. Bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua vì thế càng bị phủ bởi những gam màu tối... Trong năm mới 2012, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ quyết tâm hạ tổng phương tiện thanh toán để làm giảm tổng cầu và kìm hãm lạm phát. Theo một kịch bản lạc quan, lạm phát có thể ổn định dưới 2 con số, và chúng ta có thể tin vào một màu xanh hy vọng trong mùa Xuân mới.

Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu mạnh nhất sau 5 năm gia nhập WTO

Thử thách lớn

Bước vào năm mới, các chuyên gia dự báo rằng, sự khủng hoảng của những nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật… không dễ dàng lấy lại đà phát triển. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta từng có kinh nghiệm vượt qua những suy thoái kinh tế từ những năm 1999, 2008 và năm 2011. Do vậy, bằng những chính sách của Chính phủ và nỗ lực từ nội tại nền kinh tế, hy vọng rằng, Việt Nam sẽ vượt qua thử thách, và tiếp tục đà tăng trưởng.

Thực tế năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm tăng trưởng từ 5,1% xuống 4%, và các nước trong khu vực ASEAN tăng trưởng từ 6,9% xuống còn 5,3%, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thành công về tăng trưởng với GDP tăng khoảng 6%. Tuy vậy, nền kinh tế thế giới và khu vực chưa qua được cơn suy thoái, đã là cơ sở cho các dự đoán của các chuyên gia về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2012. Và nếu Chính phủ không có những động thái tích cực hơn trong việc đối mặt với những thách thức này, thì nền kinh tế cũng sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2011.

Trước hết, là lạm phát. Lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân do chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đặc biệt là vấn đề quản lý giá. Tình hình chung trên thế giới, giá cả biến động theo quy luật cung cầu, nếu nhu cầu tăng, giá có thể tăng và ngược lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam có đặc điểm khác. Cụ thể là chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, nhưng giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao hơn các nước trong khu vực. Đáng chú ý là lạm phát tăng cao, và kéo dài trong suốt 5 năm qua.

Lãi suất cho vay hiện quá cao, khiến cho doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Vì thế, nhằm tạo nền tảng cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành nghề, tăng cường những biện pháp chống lạm phát.
Cụ thể, việc tái cơ cấu kinh tế sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực: Tái cơ cấu đầu tư trong đó trọng tâm là đầu tư công, đổi mới phân cấp quản lý đầu tư; tái cơ cấu DN Nhà nước trong đó đẩy mạnh ngay cổ phần hóa hầu hết DN Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) và các định chế tài chính.

Rủi ro thanh khoản trong hệ thống NH cũng là yếu tố rủi ro trong nền kinh tế. Cụ thể là việc cho vay ồ ạt vào các dự án bất động sản, bất chấp những dự báo và khuyến cáo về nhu cầu của thị trường. Vì thế, Việt Nam cần phải thay đổi và phải tái cơ cấu NH như một lĩnh vực ưu tiên cần tập trung xử lý.

Ngoài ra, năm 2012 Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn nữa đã tồn tại trong nhiều năm, đó là nhập siêu và bội chi ngân sách. Mặc dù năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam kéo giảm được xuống mức dưới 5% GDP, nhưng bội chi ngân sách chưa có xu hướng cân bằng.

Nhịp điệu mùa Xuân

Nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2012 là năm bắt đầu cho thời kỳ vươn lên sau “cơn bão” suy thoái toàn cầu của đất nước.

Và năm 2012, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp DN ổn định và phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, việc tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới. Nhờ chính sách đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tạo được nhiều thành tựu đáng kể: Năm 2011 xuất khẩu đạt 96 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD. Với kim ngạch đó, chúng ta đã vượt Philippines, giữ vị trí thứ 5 Đông Nam Á sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Với tổng GDP 2011 khoảng 119 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD/năm và xuất nhập khẩu lớn như trên, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới.

Năm 2011 cũng là năm Việt Nam xuất khẩu mạnh nhất sau 5 năm gia nhập WTO, tăng tới 32% so với năm 2010 (gấp ba lần mục tiêu Quốc hội đề ra). 23 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, và còn nhiều mặt hàng tiềm năng khác...

Nhập siêu của Việt Nam những năm qua luôn giảm. Năm 2007, nhập siêu 14 tỷ USD, năm 200 nhập siêu 18 tỷ USD, năm 2009 nhập siêu 12,9 tỷ USD, năm 2010 khoảng 12,6 tỷ USD và năm 2011 chỉ hơn 10 tỷ USD. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng.

Mặc dù Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để cơ cấu lại nền kinh tế, củng cố lại nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững, và đó là việc làm cần phải dài hạn, tốn nhiều tiền của và trí tuệ. Tuy nhiên, những nỗ lực cho đến nay của Việt Nam cũng đã tạo nên thế và lực mới. Và theo một kịch bản lạc quan, chúng ta có thể tin vào nhịp điệu ngân vang của mùa Xuân mới sẽ xua tan bóng đêm suy thoái, mở ra những vận hội mới cho con tàu kinh tế Việt Nam lướt sóng lao đi.


Duy Khanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm