Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyên gia quốc tế ca ngợi thành tựu kinh tế của Việt Nam

Theo Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)

Thứ năm, 23/07/2020 - 21:32

Theo chuyên gia S D Pradhan, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19 và khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tờ Times of India vừa đăng bài viết của ông S D Pradhan, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đang trỗi dậy với triển vọng rất khả quan và câu chuyện về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như một “phép màu.”

Theo chuyên gia S D Pradhan, bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 4,8% năm 2020 và sẽ phục hồi lên mức 6,8% vào năm 2021, với điều kiện kiểm soát được dịch bệnh.

Ông S D Pradhan nhận định, trong khi tất cả các quốc gia đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế, thì nhờ có thành tích chống dịch hiệu quả, kinh tế Việt Nam chịu tác động ít hơn so với hầu hết các quốc gia khác.

Chuỗi cung ứng của Việt Nam không bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất đang tăng lên và sẽ tăng hơn nữa trong thời kỳ hậu COVID-19.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với độ tuổi trung bình là 35.

Ngoài ra, Việt Nam còn có tiềm năng đáp ứng đủ nhu cầu về công nhân lành nghề, lao động chất lượng cao. Theo kỹ sư Neil Fraser của Google, Việt Nam có những sinh viên khoa học giỏi nhất thế giới.

Chuyên gia S D Pradhan dẫn đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cho rằng sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam là nhờ Việt Nam đã đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thực hiện cải cách cũng như đầu tư mạnh vào vốn, nhân lực và vật lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.

Kinh tế Việt Nam được đánh giá đã phát triển rất nhanh và vươn lên ngưỡng thu nhập trung bình. Đáng chú ý, năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hơn 7%, cao hơn nhiều nước trong khu vực châu Á.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Standard Chartered từng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 7% trong thập niên 2020 và vượt mốc bình quân 10.000 USD/người vào năm 2030.

Theo bài viết, Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI ở Đông Nam Á, với dòng FDI đổ vào tăng hằng năm kể từ năm 2011, đạt 19,5 tỷ USD trong năm 2018, so với 17,1 tỷ USD năm 2017.

Ngoài ra, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình lương tối thiểu là 8,8%/năm trong giai đoạn 2015-2019, chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn hết sức cạnh tranh.

Việt Nam có sự kết nối khu vực với các nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nắm giữ một vị trí chiến lược ở Biển Đông kết nối với các tuyến vận tải biển trọng yếu.

Tác giả bài viết nêu rõ thành công kinh tế của Việt Nam là kết quả của việc tạo điều kiện kinh tế vĩ mô và thể chế phù hợp cho đầu tư. Việt Nam đã cung cấp các phương tiện cần thiết cho việc kinh doanh thuận lợi và tự tin.

 Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (Tiên Lữ, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam cũng đã tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt chú ý đến lĩnh vực giao thông, viễn thông và năng lượng, đặt nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển các kỹ năng cần thiết thông qua đào tạo. Đổi mới sáng tạo cũng được khuyến khích với dòng vốn FDI đáng kể. Năng suất đã tăng lên nhanh chóng - tăng 36% từ năm 2006 đến năm 2017.

Chuyên gia S D Pradhan lưu ý chính trị, xã hội ổn định kết hợp với việc các nhà hoạch định chính sách không ngừng tìm cách dỡ bỏ các hạn chế đối với doanh nghiệp, bằng việc khởi xướng các cải cách cho phép các công ty nước ngoài mở doanh nghiệp trong nước, giúp Việt Nam thu hút các hoạt động kinh doanh đáng kể từ nước ngoài.

Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy FDI, tăng ngân sách cho giáo dục cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy mạnh hội nhập thương mại cũng như cải thiện thể chế và chính sách.

Ông S D Pradhan cũng cho biết Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng hoảng thương mại do đại dịch COVID-19 gây ra, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước.

Việt Nam đã tung ra gói hỗ trợ tín dụng 10,8 tỷ USD vào đầu tháng 3, bao gồm các chính sách cơ cấu lại điều khoản cho vay, giảm lãi suất và phí.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã cung cấp 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm giảm thuế và phí cho các công ty bị ảnh hưởng và kéo dài thời hạn nộp thuế, giúp các công ty vượt qua khủng hoảng.

Ông khẳng định thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy hơn nữa các thành quả kinh tế. Nền kinh tế ổn định cộng với việc sở hữu các cơ sở cần thiết khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng một số hiệp định đa phương và song phương với các nước.

Tuy nhiên, ông S D Pradhan cho rằng Việt Nam sẽ phải giải quyết một số thách thức. Việt Nam cần thực hiện những nỗ lực khẩn cấp để phát triển thành một trung tâm sản xuất. Sẽ cần đến 3 yếu tố để tiếp thêm đà phát triển gồm đầu tư, lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng và kết nối được cải thiện với các thị trường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã CK: CTG) vừa được vinh danh tại 2 giải thưởng “Top 10 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành Tài chính” và “Tiến bộ vượt trội dành cho Báo cáo thường niên” tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm (VLCA) 2024 do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức.

Bài và ảnh: Nguyễn Nhị

14:29 22/11/2024
Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm